Khó khăn vì thiếu giáo viên

Năm học 2017-2018, toàn huyện Tây Giang có 22 đơn vị trường học, trên 5.000 em học sinh theo học từ các bậc mầm non đến THPT, đa số là con em đồng bào Cơtu và có gần 590 cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: “Khó khăn lớn trong năm học này là còn thiếu hụt cán bộ tới 32 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường mẫu giáo, tiểu học. Trong đó, cán bộ quản lý 3 người, giáo viên mầm non 12, giáo viên tiểu học 7, nhân viên có chuyên môn 7 người, cùng với 3 giáo viên đã chuyển vùng công tác).

thieu giao vien che do hoc sinh bi cat giam

Một lớp học ở thôn Atu, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Để đảm bảo việc giảng dạy năm học đến, ông Tuấn cho biết, Phòng Giáo dục huyện đã lập tờ trình xin UBND huyện cho chủ trương hợp đồng ngắn hạn với một số giáo viên, nhân viên để bù vào số còn thiếu so với phê duyệt mạng lưới trường lớp, nhằm đảm bảo cho việc tổ chức giảng dạy.

Riêng Trường THPT Võ Chí Công vẫn không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch là đưa vào giảng dạy năm học 2017-2018. Nguyên nhân do năm nay ở Tây Giang mưa quá nhiều, dù đơn vị thi công rất cố gắng song không thể triển khai xây dựng đảm bảo như kế hoạch đề ra. Vì vậy học sinh 4 xã vùng cao gồm Tr’hy, Axan, Ch’ơm và Gari phải tiếp tục học tại trường THPT Tây Giang.

Hiện công trình này chưa xong phần sản ủi mặt bằng nhưng phải tạm nghỉ mấy ngày nay vì thời tiết không thuận lợi, trời mưa kéo dài. Ngôi trường này được đầu tư 24 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Sở GD-ĐT tỉnh được giao làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch đến ngày 7/6 vừa qua, trường hoàn thành đón học sinh vào học. Nhưng đến nay công trình vẫn còn ngổn ngang, chủ đầu tư đành “khất” lại đến cuối tháng 2 năm sau.

Khó khăn vì một số chế độ học sinh bị cắt giảm

Theo số liệu báo cáo Phương án giải quyết các khó khăn năm học mới 2017-2018 của Phòng Giáo dục huyện Tây Giang. Căn cứ theo Nghị định số 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Quyết định số 582 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), toàn huyện Tây Giang có 373/1.484 học sinh thuộc diện ở bán trú tại 9 đơn vị trường bán trú TH và THCS trên địa bàn bị mất các chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.

thieu giao vien che do hoc sinh bi cat giam

Huyện miền núi Tây Giang gặp nhiều khó khăn trong năm học mới

Cụ thể, các em học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn không thuộc các thôn đặc biệt khó khăn sẽ bị mất các chế độ hỗ trợ tiền ăn cho mỗi học sinh, mỗi tháng (bằng 40% mức lương cơ sở, 15 ký gạo, 10 nghìn đồng mua sắm dụng cụ phục vụ học tập) và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Như vậy, 373 học sinh sẽ bị cắt số tiền trên 1,8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, việc bị cắt chế độ 373 em học sinh này dẫn đến điều kiện học tập, ăn ở của các em hết sức khó khăn vì gia đình các em đều là hộ nghèo, các em đi học xa, rất vất vả, huyện Tây Giang là huyện nghèo nên việc hỗ trợ mỗi năm học gần 2 tỷ đồng là số tiền quá lớn.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Tây Giang cũng cho biết, hiện nay các trường bán trú trên địa bàn huyện đủ điều kiện tiếp tục tổ chức bán trú theo quy định vì số lượng học sinh bán trú thuộc khu vực đặc biệt khó khăn đảm bảo theo Thông tư số 24/2010/TT-BGD&ĐT. Riêng Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi không đảm bảo các điều kiện theo quy định để tiếp tục tổ chức bán trú trong năm học 2017-2018.

Hiện tại việc tuyển sinh và số lượng học sinh học tập tại Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi tập trung tại địa bàn 3 xã Anông, Atiêng và xã Lăng nhưng 3 xã này lại không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg nên không tổ chức trường bán trú.

Cô Hồ Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi tâm sự: “Việc xóa trường bán trú sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của học sinh, của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Nếu không chuyển sang mô hình trường “bán trú dân nuôi” thì buộc phải xóa bỏ hình thức bán trú. Học sinh và gia đình học sinh phải tự túc mọi việc ăn ở, đi lại của học sinh và không được hưởng bất cứ chế độ nào như hình thức bán trú trước đây. Phòng GD-ĐT huyện phải cho thôi việc 5 nhân viên cấp dưỡng đang làm việc tại trường... Một điều mà không ai muốn, nhưng buột phải làm...”.

Trước những khó khăn trên, Phòng Giáo dục huyện đã có công văn gửi UBND huyện và Sở GD-ĐT tỉnh xem xét giải quyết. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, huyện sẽ có văn bản gửi lên tỉnh, Trung ương xem xét, hỗ trợ tiền ăn ở, gạo cho 373 em học sinh đã bị cắt chế độ. Huyện sẽ xin ý kiến tỉnh cho hợp đồng dài hạn giáo viên mới để đảm bảo việc dạy, còn việc hợp đồng ngắn hạn thì huyện có thể triển khai được.

“Việc hợp đồng ngắn hạn tại địa bàn miền núi như Tây Giang sẽ rất khó khăn cho giáo viên nhất là chế độ lương thấp, không đóng bảo hiểm... điều đó rất khó thu hút và giữ chân họ lâu dài được. Trước mắt huyện sẽ tìm nguồn để tiếp tục duy trì mô hình bán trú dân nuôi tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi”, ông Arất Blúi nói.