Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với phương án thu thuế Thu nhập cá nhân đối với thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Tuy nhiên, đối với việc kê khai tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, những người đột nhiên có nhà cao, cửa rộng, khi có hiện tượng vi phạm thì chúng ta mới vào nhà khảo sát. Vì vậy, chỉ dựa vào thuế và tài khoản để đánh giá.

thieu co so danh thue 45 cho tai san khong giai trinh duoc nguon goc
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Ảnh: Dân trí

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, khi giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương thực sự có hiệu quả hay không?

Về vấn đề này, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: "Kiểm soát thu nhập thế nào? Đối tượng thanh tra là ai và ai là người kiểm soát thanh tra?. Ai là người kiểm soát thu nhập lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư?. Các đại biểu Quốc hội thì có Ban Công tác đại biểu kiểm soát, còn lãnh đạo thuộc cấp Bí thư trở lên thì ai là người kiểm soát. Ở đây quy định chưa rõ”.

Không đồng tình với quy định về mức thuế suất 45% áp dụng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến:

"Vấn đề thuế, pháp luật về thuế là đánh thuế lũy tiến. Thấp thì đánh thấp, cao thì đánh cao. Có 1 nghìn mà đánh 45% thì mất 450 đồng. Nhưng 10 triệu thì không thể đánh thuế suất như thế được. Nếu tài sản đó không phải là tiền mà là tài sản thì là thuế tài sản. Bởi thế 45% không có cơ sở, đề nghị không nên có quy định và không nên dùng luật này để sửa luật thuế mà thuế phải theo áp dụng về thuế. Đồng ý đánh thuế nhưng không sửa luật Thuế trong Luật phòng chống tham nhũng”.

Còn theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tài sản tham nhũng bị thu hồi 100% là không bàn cãi. Tuy nhiên, nếu cho rằng, đó là tài sản bất hợp pháp phải chứng minh và chứng minh mối quan hệ giữa hành vi đó và tài sản tham nhũng có mối quan hệ hay không? Nếu không chứng minh thì không đặt vấn đề tham nhũng. Trách nhiệm của nhà nước, cả thế giới làm như thế, không riêng Việt Nam.

Dự và có ý kiến trực tiếp vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu và qua 2 kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn; việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng chưa có cơ sở thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau phiên họp thứ 25 tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và mời các cơ quan trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và các cơ quan liên quan để tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng thuyết phục./.