Không quên lần gặp Bác

Bà sinh ra ở đất Quảng Trị. Trận đói năm Ất Dậu (1945) đã đưa bà lưu lạc ra vùng đất phía Tây tỉnh Quảng Bình. Cách mạng tháng Tám nổ ra, bà cùng những người dân nghèo trong vùng tham gia hoạt động cứu quốc. Năm 1948, bà là chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hàm Nghi (là các xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy bây giờ). Năm 1960, bà Hồ Thị Khéo được địa phương bình bầu vào đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình ra thăm Bác Hồ tại Hà Nội. Bà bồi hồi: “Đến ni rồi mà mẹ vẫn cứ tưởng như là chuyện mới hôm qua hôm tê chi thôi. Mẹ nhớ mãi bóng hình của Bác, không mần răng mà quên được một ngày...”.

Tấm ảnh Bác Hồ vẫn luôn được mẹ Khéo gìn giữ, và lời Bác dạy trồng rừng mẹ vẫn thức hiện mỗi ngày

Ngày đó, tại ngôi trường của con em miền Nam tập kết ra Bắc, khi cả đoàn đang ngồi chờ thì: “Thình lình thấy Bác xuất hiện trước mặt rồi. Ai nấy sững sờ, rồi cùng đồng loạt đứng lên vỗ tay đón Bác...”- bà Khéo nhớ như in giây phút được gặp Bác Hồ. Bác hỏi: “Các cháu đi tham quan thấy nước VN mình như thế nào?”. Mọi người nói với Bác: “Thưa Bác, nước mình đẹp lắm nhưng còn nghèo ạ”. Bác hỏi: “Rứa phải làm sao cho nước VN ta giàu?”. Đại biểu của đoàn thưa: “Thưa Bác, bác căn dặn điều gì thì chúng cháu sẽ về làm ạ”. Bác lại hỏi: “Thế phải làm gì?”...

Bà Khéo nhớ rành mạch: “Lúc đó mẹ được đứng gần Bác nhất, vì mẹ là người dân tộc mà. Nghe Bác hỏi rứa, mẹ mới nói là phải bảo vệ cái rừng như cây lim, cây gỗ để đổi cho nước ngoài lấy cái máy móc, làm lại cái đường, cái cầu mà đi và hứa với Bác là không phá rừng nữa...”. Bác cười và nói: “Bây giờ Bác giao nhiệm vụ là trở về quê mọi người phải chăm lo học tập văn hoá, tăng gia sản xuất để đuổi cái đói cái nghèo. Dân làng đoàn kết một lòng. Đừng phá rừng mà phải nuôi, phải trồng cây gây rừng để mau giàu mạnh...”.

“Mẹ luôn nhắc mình phải nghe lời Bác...”

Trở về sau ngày gặp Bác, bà Hồ Thị Khéo báo cáo với xã những gì đã được nghe Bác nói, Bác căn dặn. Bà kể: “Với công việc của mẹ ở xã, mẹ vận động chị em phụ nữ toàn xã trồng thêm nhiều cây sắn, cây ngô để ủng hộ cho bộ đội ăn no mà luyện tập đánh giặc”. Sau đó, mỗi tháng, phụ nữ xã Hàm Nghi ủng hộ bộ đội hai tấn lương thực. Riêng mình, bà sản xuất trên ruộng nương không quản ngày đêm. Sắn, ngô làm được, bà chỉ cất lại một ít để mình ăn, còn lại góp tất cả cho bộ đội.

Những năm sau đó, Mỹ đưa máy bay ra ném bom miền Bắc, rừng cháy xác xơ. “Lòng mẹ đau như cắt. Nhiều đêm, mẹ nằm nhớ lời Bác dặn phải trồng và giữ cái rừng mà khóc. Máy bay hắn phá cháy hết, không mần chi được mô. Mẹ muốn trồng cái rừng theo lời Bác cũng không được, vì phải tập trung lo sản xuất lương thực cho bộ đội ăn no cái bụng mà đánh Mỹ trong Nam đã” - bà Khéo thắc thỏm nhớ lại.

Hết chiến tranh, bà Khéo về ở với con và cháu (là con riêng của chồng) ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân. Bà vận động con cháu và bà con trong thôn, trong xã bảo vệ rừng, học theo người Kinh khai hoang cái nương gần, cái đất thấp để làm ruộng lúa nước. Rừng cây của xã ngày càng xanh tốt hơn. Dân làng đã có nhiều ruộng lúa nước hơn và có lúa để trữ ăn dần khi trời hạn hán mất mùa...

Từ ngày có chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc của Chính phủ, bà Khéo cho biết: “Mẹ già, sức yếu rồi nên không nhận được nhiều diện tích đất mô. Mẹ chỉ nhận hơn hai sào (trên 1.000m2) thôi để trồng cây theo lời Bác dặn. Mà cũng để cho con cháu thấy mình già cả rồi mà còn hăng hái trồng cây gây rừng, thì hắn phải học theo mà mần chớ!”. Trước năm 2000, bà trồng cây bạch đàn, keo lai trên diện tích đất ấy. Năm 2003 bà bán được lứa đầu tiên với hơn 200 cây, thu được trên 200.000 đồng. Số tiền trên được bà “đầu tư” mua giống cây bạch đàn, keo lai để trồng lại rừng.

Bên nớ cũng là rừng cây của mẹ đó.

Bà cười bảo: “Lúc đó mẹ còn trẻ nên sức mẹ còn tốt, mẹ trồng cây mau lắm. Chớ bây giờ già rồi, mẹ trồng chậm chạp thôi”. Không đủ sức cuốc lỗ trồng cây, mẹ nhờ con cháu cuốc sẵn cho. Còn mẹ khi nào đỡ mỏi lưng thì lại lụm cụm một mình lên đồi trồng cây xuống. Miệt mài, nhẫn nại mãi rồi cây bạch đàn cũng lên kín đất rừng của mẹ. Bây giờ cây mẹ trồng đã lớn gần bằng cái phích nước cả rồi. Phía dưới tán cây bạch đàn, mẹ trồng thêm mấy trăm cây thơm, mùa này đã ra quả cả. Bà bảo: “Ngày trước gặp Bác, Bác dặn là làm chi được để cho mau giàu là cố gắng làm. Mẹ cũng kể chuyện được gặp Bác Hồ cho con cháu nghe, mẹ phải làm nhiều hơn cho con cháu biết là đến ni mẹ vẫn nghe theo lời Bác dặn”.

Gần nhà bà Khéo có anh Hồ Soa. Cảm phục bà, học tập bà, anh Soa đã nhận hơn 10ha đất trồng cây gây rừng, đến nay anh đã có vài mùa thu hoạch cây, thu lợi gần trăm triệu đồng. Anh bộc bạch: “Bà Khéo là tấm gương cho mình làm theo, được cả cái rừng, được cả tiền cho gia đình mình”. Nay thì hơn 50ha đất trống đồi trọc của thôn Khe Dây đã được bà con nhận trồng rừng hết. Cả bản không còn ai vào rừng chặt cây tìm cái ăn như trước nữa. Bản Khe Dây đã cùng bà Khéo nghe theo lời Bác, trồng lại cây cho xanh cái rừng rồi.

Theo Tuổi trẻ