Thêm nhiều cơ hội theo đuổi hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên được mở ra, khi hai miền Triều Tiên vừa nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 4 tới. Triều Tiên cũng vừa bất ngờ thông báo sẵn sàng đối thoại với Mỹ để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như bình thường hóa quan hệ song phương.

them co hoi theo duoi hoa binh tren ban dao trieu tien
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và bắt tay Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong. Ảnh: Yonhap

Một bước tiến mới cho thấy quan hệ liên Triều đang “ấm lên”, khi Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong, người vừa dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc sang thăm Triều Tiên thông báo, hai miền Triều Tiên vừa nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn 10 năm qua vào cuối tháng 4 tới tại Ngôi nhà Hòa bình ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom).

Hai bên cũng đã nhất trí thiết lập một đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo nhằm tham vấn chặt chẽ hơn và giảm căng thẳng quân sự, đồng thời thống nhất tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên trước khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh.

“Triều Tiên vừa thể hiện rõ quan điểm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, khẳng định rằng sẽ không cần phải duy trì chương trình hạt nhân nếu như không có bất kỳ mối đe dọa quân sự nào nhằm vào nước này cũng như khi an ninh của Triều Tiên được đảm bảo”, ông Chung Eui-yong nói.

Vị quan chức này đánh giá kết quả cuộc gặp lịch sử Hàn-Triều vừa diễn ra là “tích cực”, đồng thời tiết lộ hai bên đã đạt được thỏa thuận “đáng hài lòng”. Và thỏa thuận này cũng đã được truyền thông Triều Tiên mô tả là "tốt đẹp", tập trung vào việc hạ nhiệt căng thẳng và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.

Đài phát thanh và truyền hình trung ương Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã "cởi mở" trong đàm phán với đặc phái viên Hàn Quốc về các vấn đề "quan trọng và nhạy cảm" nhằm đem lại hòa bình và an ninh cho Bán đảo Triều Tiên.

Phát thanh viên Đài KRT của Triều Tiên nhấn mạnh: “Nhà lãnh đạo tối cao của chúng ta đã có những trao đổi sâu về các vấn đề liên quan tới xoa dịu căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như kích hoạt đối thoại, liên lạc, hợp tác và trao đổi linh hoạt”.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên dần lắng dịu kể từ khi diễn ra Thế vận hội Mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc, sự kiện thể thao ngoại giao vốn được xem là “điểm khởi đầu mới”, đặt nền móng cho cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Thêm một tín hiệu tích cực nữa, cũng là kết quả đột phá gặt hái được từ cuộc gặp lịch sử Hàn-Triều vừa diễn ra, Triều Tiên đã bày tỏ ý định đàm phán thẳng thắn với Mỹ, bàn thảo về vấn đề phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên cũng như bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều.

Phản ứng trước ý định được cho là tỏ ra “thiện chí” này của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định dù các cuộc đàm phán Mỹ-Triều có thể là "hy vọng sai lầm" song Mỹ "sẵn sàng nỗ lực" và đàm phán với Triều Tiên "có khả năng đạt tiến triển". Tổng thống Mỹ cũng khẳng định đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, các bên liên quan đạt được một nỗ lực nghiêm túc.

Giới quan sát đang đặt ra câu hỏi phải chăng dấu hiệu hòa dịu đầy bất ngờ trong quan hệ liên Triều thời gian gần đây và hiện tại lại thêm ý định ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ đều là những bước đi chiến thuật mà Triều Tiên đang theo đuổi nhằm làm suy yếu các lệnh trừng phạt cũng như giảm sức ép từ cộng đồng quốc tế lên chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dẫu vậy, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao liên Triều tan băng, thì bất kỳ diễn biến tích cực mới nào, dù là nhỏ, cũng sẽ góp phần làm gia tăng hy vọng các bên đối đầu "lấy đà" từ bầu không khí thân thiện vừa được thiết lập, để từ đó tái khởi động các cuộc đối thoại vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên./.