them 2 thuoc dieu tri ung thu vu di can duoc su dung tai viet nam

40% chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, di căn

Tại hội thảo “Bước tiến mới trong điều trị ung thư vú di căn HER2 dương tính”, PGS.TS.BS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Điều trị ung thư vú tại Việt Nam những năm qua đã có nhiều tiến bộ bắt kịp với các nước tiên tiến trong khu vực. Đối với các trường hợp phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh đã có thể đạt đến 90%. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bệnh nhân ung thư vú đến khám ở giai đoạn trễ, và rất nhiều người sau điều trị bị tái phát và di căn, nhất là các trường hợp dương tính với HER2. Việc điều trị cho những bệnh nhân này còn nhiều khó khăn và là một thách thức lớn trong điều trị ung thư vú.”

Nhận định về tình trạng phát hiện trễ, TS.BS. Lê Thanh Đức – Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K cũng cho biết: “Ở các nước phát triển, các chương trình tầm soát đã được thực hiện rộng khắp nhưng vẫn còn tồn tại một tỷ lệ nhỏ khoảng dưới 5% bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn trễ. Còn tại Việt Nam, có đến khoảng 10% ung thư vú được phát hiện rất trễ (giai đoạn 4) khi đã di căn; và nếu tính cả bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 thì con số này phải lên đến gần 40%.”

Theo lý giải của BS Đức, nguyên nhân phát hiện muộn có thể do bệnh nhân chủ quan, lần lữa không chịu đi khám, hoặc ngại ngần và chỉ đến bệnh viện khi khối u đã lớn. Nhiều trường hợp bệnh nhân cho rằng không nên điều trị hoặc chỉ uống thuốc Bắc, thuốc Nam đến khi quá muộn. Cũng có nhiều trường hợp vừa thấy u thì đã di căn…

Tốc độ phát triển và di căn của khối u vú càng cao hơn ở nhóm dương tính với HER2 (bề mặt của tế bào ung thư có mật độ protein HER2 vượt ngưỡng thông thường, khiến tế bào ung thư phân chia nhanh và tăng khả năng di chuyển tới các cơ quan khác trong cơ thể). Nhóm HER2 dương tính chiếm khoảng 25% các trường hợp ung thư vú.

them 2 thuoc dieu tri ung thu vu di can duoc su dung tai viet nam

Thêm hi vọng cho bệnh nhân ung thư vú di căn HER2 dương tính

Trước đây, nhóm HER2 dương tính được xem là tiên lượng xấu vì diễn biến thần tốc khó lường. Tuy nhiên, tình hình điều trị đã đạt được nhiều tiến bộ tích cực từ khi liệu pháp nhắm trúng đích áp dụng tại Việt Nam.

PGS.TS.BS. Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Trastuzumab (1 thuốc trúng đích vào Việt Nam 2007 – PV) là kháng thể đơn dòng đầu tiên được sử dụng trong cả giai đoạn sớm lẫn giai đoạn di căn, có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với hóa trị. Qua nghiên cứu cũng như thực tế điều trị, thuốc được đánh giá cao vì cải thiện tốt tiên lượng sống còn cho bệnh nhân.”

Mới đây, Bộ Y Tế cũng đã chính thức phê duyệt thêm hai thuốc mới của liệu pháp nhắm trúng đích cho ung thư vú di căn HER2 dương tính là pertuzumab và trastuzumab emtansine (T-DM1). Theo đó, pertuzumab được chỉ định kết hợp cùng trastuzumab và hóa trị trong điều trị bước 1 còn trastuzumab emtansine (T-DM1) được sử dụng đơn độc để điều trị bước 2.

Nghiên cứu lâm sàng CLEOPATRA cho thấy việc kết hợp pertuzumab cùng trastuzumab và hóa trị docetaxel mang đến trung vị thời gian sống còn toàn bộ của bệnh nhân lên đến gần 5 năm, cao hơn 15.7 tháng so với phác đồ chỉ có trastuzumab kết hợp docetaxel. Và điều đặc biệt là tác dụng phụ trên tim mạch không gia tăng khi sử dụng đồng thời hai liệu pháp nhắm HER2.

Trong khi đó, trastuzumab emtansine (T-DM1) là thuốc đầu tiên kết hợp một thuốc nhắm trúng đích kháng HER2 là trastuzumab và một thuốc hóa trị có hoạt lực mạnh. Thuốc vừa tấn công bẻ gãy tín hiệu của HER2 trong các tế bào ung thư, vừa đưa thuốc hóa trị vào tiêu diệt đúng các tế bào này. Nhờ đó, trastuzumab emtansine (T-DM1) mang lại hiệu quả điều trị cao nhưng lại hạn chế gây ra các tác dụng phụ thường thấy ở hóa trị. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy trung vị thời gian sống còn toàn bộ của nhóm điều trị với trastuzumab emtansine (TDM1) là 30.9 tháng so với 25.1 tháng ở phương pháp cũ.

TS.BS. Lê Thanh Đức chia sẻ: “Việc sử dụng các thuốc nhắm trúng đích mới như là Trastuzumab emtasine ít gây tác dụng phụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.”