thay giao quan ham xanh day ba con bat xat thoat mu chu xoa mac cam

Vừa làm nhiệm vụ của một chiến sĩ bộ đội, vừa là thầy giáo, anh Phạm Công Khanh chưa bao giờ nguôi nhiệt huyết với học trò

Thiếu tá Phạm Công Khanh hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Bát Xát, Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai. Bên cạnh nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền đất nước, Thiếu tá Khanh còn cùng với các đồng đội đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương.

Anh Phạm Công Khanh chia sẻ, khi về công tác tại Bát Xát, một địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, anh nhận thấy rõ những khó khăn của bà con nhân dân. Khó khăn ấy không chỉ là sự nghèo khó, thiếu thốn vật chất mà còn thiếu nơi ăn chốn học cho trẻ em nơi nơi đây.

Thêm vào đó, người dân chưa nhận thức rõ về sự cần thiết của giáo dục, của con chữ đối với thế hệ tương lai, dẫn đến việc trẻ em bỏ học, không đến trường. Những lí do thường được các bậc phụ huynh đưa ra khi cho con em mình nghỉ học là nhà nghèo, nhà xa trường, gia đình thiếu lao động... Hệ quả là trẻ em không được tới trường, người lớn mù chữ.

Trước tình hình này, Thiếu tá Khanh đã cùng với các đồng đội, phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Bản Vược và các nhà trường, giáo viên tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia học xóa mù chữ và chống tái mù chữ sau biết chữ.

Không quản ngại khó khăn vất vả, Thiếu tá Khanh tới từng nhà vận động người dân đi học. Đường núi khó đi, nhà dân thưa thớt xa xôi nhưng anh vẫn chưa từng nản chí.

Lớp học ngày một đông đủ hơn nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu thốn giáo viên, Thiếu tá Công Khanh đã đề xuất với đơn vị để tự mình đảm nhiệm nhiệm vụ là thầy giáo lớp học xóa mù chữ cho bà con. Lớp học này cũng có nội quy riêng, yêu cầu học sinh nghiêm túc tuân thủ, đi học đúng giờ và đều đặn.

Sở dĩ lớp học phải “thiết quân luật” như vậy là bởi có rất nhiều học sinh của lớp là người lớn, thường xuyên bận rộn công việc trong nhà, nhất là vào mùa vụ. Nếu không có uy tín của thầy giáo cùng biện pháp quản lý nghiêm túc, lớp học sẽ không giữ được học sinh. Đó cũng là nguyên nhân, lớp học xóa mù chữ do thầy Khanh đứng lớp thường được mở vào buổi tối.

Ban đầu, thầy giáo Khanh gặp không ít những khó khăn, bởi người không biết chữ thường mặc cảm, ngại va chạm và từ bé đến bây giờ chỉ biết cầm cày, cầm cuốc chứ không quen cầm bút. Thầy luôn rất kiên nhẫn với học trò của mình, cho dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Do vậy, học trò rất yêu quý thầy Khanh.

Thầy Khanh chia sẻ: “Tôi không có nghiệp vụ sư phạm, không có kinh nghiệm giảng dạy, thế nhưng, tôi đã cố gắng học hỏi và rèn luyện, phối hợp cùng với đồng đội và các nhà trường tại địa bàn để đem con chữ. Tôi cũng báo cáo chỉ huy và cùng với đồng đội xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết cho từng ngày, từng tuần dạy học”.

Thầy Khanh và đồng đội đã vận động được 28 chị em có độ tuổi trung bình từ 30 đến 55 tuổi đến lớp đầy đủ. Ban đầu 28/28 học viên tham gia học tập lúc đầu đều không biết con chữ, con số. Hiện nay, những học viên này đã có thể đọc, viết và ngày càng thích được đến lớp.

thay giao quan ham xanh day ba con bat xat thoat mu chu xoa mac cam

“Tôi hiểu họ là những người chưa từng làm quen với sách vở nên mọi chữ cái đều được hình tượng hóa cho dễ học, giống như bài học đầu tiên là chữ O thì tôi mang theo quả trứng để học viên dễ nhớ, khi học thấy con chữ không khó học, ai nấy đều thích thú và đến lớp đầy đủ để mong chờ xem bài học hôm nay là gì?”, Thiếu tá Phạm Công Khanh chia sẻ.

Việc học chữ của không chỉ giúp bà con đọc hiểu sách vở mà còn giúp ích rất nhiều trong đời sống. Nhờ biết chữ, các chị, các mẹ đi chợ đã biết nhìn hạn sử dụng, biết vận dụng phương pháp chăm sóc con, biết chăn nuôi làm kinh tế, thậm chí, nhiều chị biết nhìn bản đồ mà không cần phải hỏi đường... Khi biết chữ, có kiến thức, bà con cũng tự tin hơn khi giao tiếp, không còn sợ hãi ra đường bị lừa gạt như trước đây.

Một trong những học trò tiêu biểu của thầy Khanh là chị Phàn Thị Hằng, người phụ nữ có 2 con. Nhờ lớp học của thầy, chị Hằng từ chỗ không biết cách cầm bút nay đã đọc thông, tính thạo. Trong lớp, chị Hằng rất cố gắng học tập. Hiện tại, chị Hằng đã hoàn thành chương trình mức độ 2, tương đường với học sinh lớp 5.

“Trước đây, bà con thường gọi tôi là chú bộ đội. Kể từ khi dạy lớp học xóa mù chữ, mỗi lần đi đường, nhìn thấy, họ reo to: Thầy giáo Khanh kìa. Điều đó làm tôi xúc động lắm! Thậm chí, ngày 20/11, nhiều học viên nhìn thấy tôi còn chạy ra chúc mừng, đó là điều hạnh phúc đối với những chiến sĩ được may mắn cầm phấn như tôi”, thầy giáo “quân hàm xanh” Phạm Công Khanh chia sẻ.

Năm 2016, thầy Khanh được Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Lào Cai tặng giấy khen trong quá trình tham gia dạy học xóa mù chữ sau biết chữ. Dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, Thiếu tá Phạm Công Khanh là một trong số những chiến sĩ quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017 do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTNVN và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.