thay doi tao nen khac biet
Tỷ lệ chuyên cần của học sinh THCS tăng cao so với trước. Ảnh: Sỏ GD&ĐT tỉnh Lào Cai

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, ngay trong năm học 2019-2020, từ ngày 30/9, các trường trung học cơ sở (THCS) ở thành phố Lào Cai và 2 huyện vùng cao Sa Pa, Bắc Hà triển khai trước việc cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy. Các huyện còn lại triển khai từ ngày 7/10.

Việc cho học sinh THCS nghỉ học ngày thứ Bảy được áp dụng trên cơ sở lấy ý kiến của học sinh, phụ huynh, giáo viên và các cơ sở quản lý giáo dục (trực tiếp là phòng GD&ĐT huyện, thành phố).

Triển khai hoạt động này, Sở GD&ĐT tỉnh yêu cầu các phòng GD&ĐT địa phương hướng dẫn các trường cho học sinh nghỉ thứ Bảy nhưng vẫn phải bảo đảm kế hoạch năm học, bảo đảm chương trình học… Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Việc cho học sinh THCS nghỉ học ngày thứ Bảy đã tạo ra thay đổi rất rõ.

Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà), hiện nay, các buổi học chiều luôn đông đủ sĩ số, không khí học tập sôi nổi. So với trước kia thì đây là điều khác biệt rất lớn.

Theo cô Dương Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, điều “bất ngờ” là có rất nhiều khó khăn của nhà trường trước đây chưa biết giải quyết thế nào thì nay lại hết sức dễ dàng.

Ví dụ như việc duy trì sĩ số học sinh vào các buổi chiều học ngoài giờ, trước kia chỉ có học sinh bán trú ở lại trường đến lớp, còn số học sinh ngoại trú nhiều em sau buổi học sáng về nhà là nghỉ luôn buổi chiều.

Nhưng từ khi áp dụng tăng số buổi học chiều cả 5 ngày/tuần để dành ra nghỉ thứ Bảy đồng thời dàn đều, cân đối các tiết học; bố trí cho toàn bộ học sinh ngoại trú ăn, nghỉ trưa tại trường thì hiệu quả vượt ngoài mong đợi.

Lý giải thay đổi này, cô Lan An cho biết buổi sáng đến 12h mới hết tiết 5, các em ngoại trú đi bộ 4-5 cây số về nhà, ăn cơm xong rồi lại quay trở lại trường để tham gia hoạt động buổi chiều. Điều này khiến nhiều em hầu như không tham gia được. Nay tổ chức cho tất cả các em cùng ở lại trường buổi trưa thì các em vừa có thời gian nghỉ ngơi, sau đó tham gia các hoạt động buổi chiều.

Một cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà cho biết dù là học sinh THCS nhưng các em vẫn còn nhỏ, nhiều em nhà xa vào ở bán trú cả tuần mới về nên vẫn rất nhớ nhà. Trước kia, cứ chiều thứ Sáu thấy học sinh tiểu học được nghỉ là học sinh THCS cũng… muốn nghỉ theo. Thành ra ngày thứ Bảy các em ở lại học thì chất lượng khó đạt như mong muốn.

Thêm nữa, với học sinh các địa bàn vùng cao ở Lào Cai, những buổi không đi học là khoảng thời gian phụ giúp gia đình. Vì hầu hết gia cảnh các em đều khó khăn, cha mẹ chủ yếu làm nông nghiệp, nhà lại neo người. Chuyện được nghỉ ngày thứ Bảy cũng tác động rất tích cực đến tinh thần các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô “cắm bản”.

Với nhóm giáo viên này, cuối tuần họ chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật. Những người nhà xa “đi về thì vất vả mà ở lại cũng chẳng đành”. Dù theo quy định, họ được bố trí thêm một ngày nghỉ ngẫu nhiên vào giữa tuần nhưng do còn “khan hiếm” giáo viên như hiện tại thì việc bố trí nghỉ cũng không đơn giản. Vì vậy khi áp dụng lịch dạy mới, các thầy cô ở vùng cao cũng phần nào bớt khó khăn.

Theo ông Bùi Ngọc Minh, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai), sau khi có sự thống nhất, đồng thuận từ phụ huynh, học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên các nhà trường, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 187 trường THCS trong toàn tỉnh đều đã áp dụng học 5 ngày/tuần, trong đó 5 buổi sáng và 2 buổi chiều thực hiện theo chương trình của Bộ GD&ĐT; 3 buổi chiều còn lại bố trí các hoạt động bổ trợ, ngoại khóa trên nguyên tắc không gây quá tải cho học sinh.

Điều đáng mừng là tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ chuyên cần trung bình cấp THCS toàn tỉnh đạt 97,3%, riêng khu vực vùng cao đạt 96,8%, tăng mạnh so với tháng 9 cũng như cùng kỳ năm học 2018-2019./.