thay doi dien mao nong thon tu nhung cay cau moi
Cầu Làng Tràng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai

Nhiều năm trước, người dân ở xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai phải vượt qua dòng sông Dong để sản xuất nông nghiệp, giao thương hàng hóa, đưa con em đi học hoặc thực hiện các thủ tục hành chính ở UBND xã. Lòng sông rộng, nước chảy siết nên việc vượt sông gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Ông Vi Văn Luận, xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cho biết: "Trước đây, người dân đi lại khó khăn, nước lớn là không đi qua được, nên rất mong muốn có một cây cầu để đi lại thuận lợi hơn". Đến cuối năm 2019, mong mỏi của người dân xóm Làng Tràng đã được hiện thực hóa với một cây cầu của Dự án LRAMP đã góp phần phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi hơn.

thay doi dien mao nong thon tu nhung cay cau moi
Cầu Đồng Muốn, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên

Còn tại xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, vì trung tâm hành chính xã, trường học ở bên kia bờ sông Trung Năng, nên hơn 5.000 người dân của xã ở bên này bờ sông, nhiều năm trước, do không có cầu các em nhỏ không thể đi tới trường, thậm chí, người dân còn không mua nổi thức ăn trong nhiều ngày khi nước sông dâng cao. Nhưng nay đã khác, khi Nhà nước đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng cây cầu Đồng Muốn dài gần 100m rộng 4m. Anh Ân Văn Minh, xóm Tượng 1, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên chia sẻ: "Ngày trước, chúng tôi chỉ có thể đi bộ qua, nếu nước lớn là không thể lưu thông được, không thể mua hàng hóa được, các hoạt động bị tê liệt".

Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết thêm: "Bà con nhân dân xã Phúc Thuận hết sức phấn khởi, đánh giá cao Ban Quản lý, nhà thầu đã xây dựng kịp thời theo tiến độ; cùng với đó, lãnh đạo địa phương cũng quyết tâm xây dựng cây cầu cho người dân".

thay doi dien mao nong thon tu nhung cay cau moi
Cầu Bến Vạn, xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên

Cũng tại thị xã Phổ Yên, người dân xã Nam Tiến và Vạn Phái, trước đây đã có cầu treo Bến Vạn bắc qua Sông Công, nối liền hai xã nhưng đã xuống cấp, phương tiện là ô tô không thể đi qua cầu. Chính vì vậy, nhiều hàng hóa của địa phương vận chuyển khó khăn, cũng như đời sống của nhân dân chưa được nâng cao. Đến nay, địa phương đã được đầu tư gần 17 tỷ đồng xây cầu với chiều dài trên 140m, ô tô tải trọng dưới 16 tấn đã có thể lưu thông. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên cho hay: "Có cây cầu này, bà con nhân dân có thể vận chuyển, lưu thông hàng hóa qua lại 2 địa phương là xã Nam Tiến và xã Vạn Phái rất thuận lợi, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, xã hội của 2 địa phương".

Xác định ý nghĩa quan trọng đặc biệt của Dự án LRAMP, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, kiểm soát chất lượng, tiến độ thi công các công trình, đảm bảo nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Ồng Phạm Văn Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án III - Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin: "Công tác phối hợp, quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong vai trò của Ban địa phương để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình quản lý; đặc biệt được sự quan tâm của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trong công tác giải phóng mặt bằng; đến thời điểm này, 29 cầu thuộc Dự án cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo chất lượng, tiến độ đúng quy định".

Những cây cầu này được đưa vào sử dụng đã mang đến cho những vùng nông thôn một diện mạo mới, không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đời sống người dân dần được nâng cao./.