Chương trình Đồng Khởi - khởi nghiệp ở tỉnh Bến Tre được phát động từ tháng 6 năm 2016, đến nay toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ chương trình này, đã xuất hiện nhiều mô hình “làm ăn” mới, các nhân tố điển hình với các mô hình sản xuất kinh doanh, sáng tạo hiệu quả.

Tìm kiếm ý tưởng, tiến đến xây dựng mô hình khởi nghiệp hiện đang là động lực để lớp thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng đang được nhiều địa phương ở Bến Tre động viên và nhân rộng.

Điển hình như mô hình khởi nghiệp của anh Võ Minh Nhựt, xã Tân Phú, huyện Châu Thành trồng cây Đinh lăng làm dược liệu tưởng chừng như đơn giản, nhưng hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Chỉ có vài trăm mét vuông đất, anh tận dụng trồng cây đinh lăng, trong năm đầu tiên đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng. Sau 3 năm, lợi nhuận từ cây đinh lăng cao gấp 5 lần.

thanh nien xu dua lam giau tu mo hinh dong khoi
Trồng hoa kiểng- mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên Bến Tre.

Từ mô hình này, Tân Phú đã thành lập tổ hợp tác trồng cây đinh lăng, với 11 thành viên, trồng 8.000 cây tại các hộ dân nghèo. Ý tưởng khởi nghiệp này đã được Tỉnh đoàn Bến Tre tặng giải Nhất tại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng Khởi nghiệp năm 2017.

Nói về mô hình này anh Võ Minh Nhựt chia sẻ: "Cây Đinh lăng là cây dược liệu mới. Chúng tôi muốn phát triển rộng rãi cho dân địa phương mình trồng. Cây dược liệu này tôi chỉ bán sản phẩm thô thôi. Hướng tới chúng tôi làm sao tìm được đầu ra để phát triển thành phẩm luôn để tăng thu nhập cho người nghèo lên".

Theo Tỉnh đoàn Bến Tre, Đoàn viên Thanh niên là đội ngũ tiên phong trong Chương trình Đồng Khởi- khởi nghiệp. Thông qua hoạt động truyền thông “Ươm mầm khởi nghiệp tuổi trẻ xứ dừa”, cuộc thi “tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp” với sự tham gia của 64 ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Qua đó Ban tổ chức đã chọn được 18 đề tài có giá trị thực tiễn.

Năm nay, Đoàn thanh niên tỉnh Bến Tre còn hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho các đoàn viên, thanh niên tham gia khởi nghiệp. Được sự quan tâm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn rất xông xáo trong chương trình khởi nghiệp.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo như: Ý tưởng sản xuất phần mềm ứng dụng Android Việt Nam Tour để quản lý và phát triển ngành du lịch địa phương gắn với chuỗi sản phẩm du lịch toàn quốc; ý tưởng sản xuất kem đánh răng từ tro trấu và dầu dừa của một học sinh THPT hay đề tài “Ủ phân bò bằng phương pháp compost”, “Dịch vụ cung cấp cây giống truy xuất nguồn gốc”, “Chăn nuôi chồn hương”, “Ứng dụng giấy cắt sợi, tạo tranh giấy xoắn nghệ thuật”.

Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có gần 1.600 đoàn viên, thanh niên làm chủ hộ.

Đề cập đến sự tham gia của tuổi trẻ với Chương trình Đồng Khởi- khởi nghiệp, anh Nguyễn Phúc Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre cho biết: "

Việc khởi nghiệp cho thanh niên bước đầu có sự chuyển biến về nhận thức của đoàn viên, thanh niên ở từng nhóm; có sự suy nghĩ về nhiều sự khởi nghiệp; tự tin, mạnh dạn dám nghĩ dám làm để tham gia những mô hình, ý tưởng của mình để phát triển kinh tế khởi nghiệp. Trước đây chưa có chương trình này các bạn còn tâm thế e dè, rụt rè".

Chương trình Đồng khởi - khởi nghiệp tỉnh Bến Tre đã đạt kết quả bước đầu rất khích lệ và thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp tại địa phương. Đó là sự ra đời các chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh trên tinh thần chia sẻ hài hòa lợi ích, kết quả từ các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu tại huyện Chợ Lách chia sẻ:thanh nien xu dua lam giau tu mo hinh dong khoi :

Công ty Chánh Thu rất hoan nghênh chương trình Khởi nghiệp. Đặc biệt, công ty sẽ ủng hộ chương trình trong một ngành nghề và hỗ trợ về kiến thức cũng như sẽ đồng hành cùng các bạn để đưa các sản phẩm của Việt Nam, có nhiều sản phẩm đạt tốt hơn và phong phú hơn".

Tỉnh Bến Tre sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tập thể, cá nhân khởi nghiệp, phấn đấu mỗi năm có từ 5.000 - 7.000 hộ kinh doanh cá thể mới ra đời; có từ 3% số hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2020, phấn đấu thành lập từ 5 – 10 nhóm doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực. Phát huy các chương trình liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và chương trình hợp tác ABCD Mekong-hợp tác giữa Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao với 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nói: "Trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập trung đào tạo, hỗ trợ người khởi nghiệp để hoạt động này bài bản hơn. Khuyến khích khởi nghiệp dựa trên thế mạnh của tỉnh như: Nông nghiệp, du lịch, mỗi làng một sản phẩm và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời, tỉnh sẽ quan tâm xây dựng văn hóa khởi nghiệp, văn hóa của tinh thần tự lực, tự tin khởi nghiệp của khát vọng và tự tin đến cùng, của sự học hỏi, thành công, của tinh thần biết chấp nhận rủi ro và thất bại, của sự hợp tác và tôn trọng những người làm giàu chính đáng".

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp, Trung tâm xúc tiến đầu tư khởi nghiệp. Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết với các chính sách hỗ trợ các tập thể, cá nhân khởi nghiệp, hoàn thiện “hệ sinh thái khởi nghiệp”, thành lập 1 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp tiên phong, 1 câu lạc bộ doanh nhân dẫn đầu và ra mắt Cộng đồng khởi nghiệp.

Đặc biệt địa phương đã xây dựng Quỹ khởi nghiệp cấp tỉnh với nguồn vốn bước đầu thu hút hơn 10 tỷ đồng do doanh nghiệp xa gần ủng hộ. Thực hiện Chương trình Đồng khởi- khởi nghiệp, Bến Tre còn rút ngắn hồ sơ thủ tục cấp giấy phép đầu tư trong 1 ngày; các ngân hàng rút ngắn, cắt giảm các thủ tục cho vay vốn gần 90%; lãnh đạo tỉnh thường xuyên có mặt tại các lâu lạc bộ “ cà phê doanh nhân, cà phê khởi nghiệp” để nắm tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp.

Với truyền thống quê hương Bến Tre Đồng Khởi, với tinh thần thi đua "Đồng Khởi mới" đã và đang từng bước lan tỏa; tin rằng Chương trình Đồng Khởi- khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre sẽ nối tiếp thành công để xây dựng quê hương xứ dừa ngày càng giàu đẹp, văn minh./.