thanh hoa phat huy tinh than cach mang thang tam 1945 trong thoi ky doi moi
Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời ra mắt tại Thị xã Thanh Hoá ngày 23/8/1945. Tranh sơn dàu. Tư liệu Bảo tàng Thanh Hóa

Tháng Tám năm 1945, khi tình thế cách mạng đã chín muồi, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã chớp thời cơ, vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Cùng với cách mạng cả nước, ngày 24-7-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa lãnh đạo quần chúng vùng dậy đấu tranh vũ trang giành chính quyền, đây là cuộc khởi nghĩa từng phần cấp huyện đầu tiên của tỉnh giành thắng lợi trọn vẹn. Tiếp sau đó, đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19-8-1945, Tỉnh uỷ phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền, theo đó, nhân dân và tự vệ các địa phương vùng lên đấu tranh đã lật đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Chỉ sau 3 ngày phát lệnh tổng khởi nghĩa, đến ngày 21-8-1945, thị xã Thanh Hoá và tất cả các huyện đồng bằng và hai huyện miền núi (Thạch Thành, Cẩm Thuỷ) đã thành lập được chính quyền dân chủ nhân dân. Riêng thị xã Thanh Hoá, ngày 18-8, Uỷ ban khởi nghĩa bàn định kế hoạch, tổ chức lực lượng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Đến chiều ngày 20-8-1945, chính quyền cũ bị lật đổ, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Ngày 23-8-1945, từ căn cứ Thiệu Hóa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời về thị xã Thanh Hóa ra mắt đồng bào trong tỉnh. Sau khi ra mắt, chính quyền đã triệu tập tri châu các huyện miền núi và tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân ở 6 châu miền núi, thành lập chính quyền cách mạng; đồng thời huy động lực lượng tự vệ các huyện đồng bằng hỗ trợ các huyện miền núi còn lại thiết lập chính thể mới. Đến cuối tháng 8-1945, chính quyền cách mạng được thiết lập trên địa bàn toàn tỉnh. Như vậy, cùng với nhân dân cả nước, Thanh Hoá đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Thành công trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên địa bàn Thanh Hóa là kết quả tất yếu của lòng quả cảm, kiên trì, bền bỉ, kiên cường và liên tục của đồng bào Thanh Hoá dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng bộ. Đó là truyền thống chống ngoại xâm kiên cường và bất khuất của đồng bào các dân tộc Thanh Hoá được kế thừa và phát huy trong thời kỳ Đảng lãnh đạo. Thắng lợi đó là kết quả sự phát huy tinh thần khí phách của nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa vừa linh hoạt, vừa sáng tạo, vừa kiên quyết và vừa khôn khéo mềm dẻo của Đảng bộ. Đặc biệt là sự linh hoạt kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa tuyên truyền với bạo lực nhằm phân hoá, cô lập kẻ thù, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.

Hơn thập niên đã qua, trên tinh thần tiến công và giá trị to lớn của những bài học kinh nghiệm lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đặc biệt là bài học về xây dựng Đảng vững mạnh; về đại đoàn kết toàn dân; về tạo thời cơ và chớp thời cơ,… luôn khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh bước tiếp chặng đường mới, viết tiếp những trang sử mới hào hùng của quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực, chủ động nắm bắt thời cơ, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn chủ động cụ thể hóa bằng các chủ trương, kế hoạch phát triển KT-XH từng năm, từng nhiệm kỳ. Bằng tất cả sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm, các cấp, các ngành phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nỗ lực đưa Thanh Hóa ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kém phát triển.

Thực tế trong hơn 30 năm tiến hành đổi mới, nhất là từ năm 1996 đến nay cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta luôn ở mức cao; năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế được tăng cường. GDP không ngừng tăng, như thời kỳ 1996 - 2000 tăng bình quân 7,3%; thời kỳ 2001 - 2005 tăng 9,1%; thời kỳ 2006 - 2010 tăng 11,3%, thời kỳ 2010 – 2015 tăng 11,4%, cao nhất trong 30 năm đổi mới. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,05%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Sau 30 năm đổi mới, Thanh Hóa từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nay không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn là tỉnh có lương thực hàng hoá. Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại được hình thành, tạo tiềm năng phát triển mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, điển hình là Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Hoạt động khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục được nâng lên, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Các hoạt động văn hóa có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thể dục thể thao phát triển sâu rộng, thể thao thành tích cao luôn trong tốp đầu cả nước. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,75%/năm.

Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự xã hội được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế thành công. Phát huy vai trò đại đoàn kết, các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đã góp phần mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Hệ thống chính trị được xây dựng vững chắc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và vận động quần chúng đáp ứng yêu cầu xây dựng bảo vệ quê hương trong thời kỳ CNH, HĐH. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị "về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1089-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Những kết quả đạt được là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết Trung ương của Đảng, và của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, chú trọng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghí quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và là theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thành tựu hơn 30 năm đổi mới ở Thanh Hóa đã và đang làm thay đổi diện mạo của tỉnh, tạo tiền đề vững chắc để Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới. Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, cùng với những thành quả to lớn đáng tự hào trong hơn 30 năm qua là động lực, sức mạnh tinh thần thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm sắp tới mà nghị quyết đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, đưa Thanh Hóa vững bước trên con đường đổi mới.