Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thông qua Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi 100% số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành Nghị quyết phê chuẩn hiệp định này và các văn kiện liên quan vào chiều 12/11.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, nhờ CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 4,04% đến năm 2035, và nhiều khả năng nguy cơ thâm hụt thương mại sẽ được kiềm chế.

tham gia cptpp viet nam can chu dong duoc nguon nguyen lieu
Việt Nam kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội lớn khi tham gia Hiệp định CPTPP. (Ảnh minh họa)

Phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu là sang các nước trong CPTPP. Tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP sẽ tăng thêm ở mức 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỉ USD, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài TPP tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỉ USD). Đồng thời, việc tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, những cơ hội luôn đi cùng với rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại. Với CPTPP, các lĩnh vực được đánh giá sẽ chịu rủi ro, thách thức là thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Bên cạnh đó, sản xuất giấy, thép, ô tô, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics… cũng có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh.

Việc tham gia CPTPP với thị trường rộng mở hơn cũng sẽ khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, trong đó chăn nuôi lợn, gia cầm có thể gặp phải sự cạnh tranh từ các sản phẩm thịt lợn thịt gà nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu.

tham gia cptpp viet nam can chu dong duoc nguon nguyen lieu
Chăn nuôi là ngành bị sức ép cạnh tranh lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ nhập khẩu tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, và việc tăng thêm nhập khẩu sẽ chủ yếu là từ các nước ngoài TPP. Do đó, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP. Điểm này rất đáng chú ý do việc nhập khẩu ngoài TPP có thể làm cho Việt Nam không được hưởng lợi nhiều vì quy định nguồn gốc xuất xứ trong Hiệp định.

Song, cũng chính điểm nghẽn về nguyên liệu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tăng đầu tư cho Việt Nam. Nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP, các nhà đầu tư có thể chuyển hướng vào cung ứng nguyên liệu, theo đó có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Điều này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và do đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong một phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo lắng các cơ hội CPTPP có thể không trở thành hiện thực. Ông Lộc dẫn bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang cho thấy rất rõ điều này.

Về khả năng nắm bắt cơ hội của các FTA mang lại, tại phiên họp tổ của Quốc hội vừa qua, đại biểu Phạm Bình Minh (Thái Nguyên) cho hay, riêng trong cộng đồng ASEAN, các nước như Thái Lan, Singapore tận dụng cơ hội rất tốt từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với 650 triệu dân nhưng dường như Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ AEC.

Nhưng có một điểm sáng là khoảng vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong nước đã dần nhận thức được tiềm năng từ AEC, xuất khẩu hàng Việt trong nội khối đã tăng đáng kể. Đây sẽ là kinh nghiệm để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội các FTA sắp tới, trong đó có CPTPP, ông Minh nêu rõ.

Theo nhận định của TS. Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi đó có nhiều kỳ vọng cho rằng hàng hóa Việt Nam sẽ đi ra biển lớn. Nhưng thực tế thì hàng hóa các nước lại vào Việt Nam nhiều hơn.

"Vấn đề này cần phải được lưu ý khi ký CPTPP. Xuất khẩu của ta có tương đương với hàng hóa các nước vào Việt Nam hay không. Hay do năng lực thấp nên hàng hóa các nước vào nhiều hơn, dẫn tới thâm hụt cán cân thương mại?”, ông Ngân thẳng thắn nêu vấn đề.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần có phương án hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi có thể mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Theo ông Hoàng Văn Cường, mặt hàng có lợi thế lớn nhất là dệt may, giày da, đồ gỗ, đồ gia dụng, hàng thực phẩm, rau quả, cà phê, hồ tiêu, thủy sản... Ngược lại, những mặt hàng kém cạnh tranh và đứng gần như “đội sổ” là mỹ phẩm, văn phòng phẩm, phim ảnh, điện, điện tử, vi tính...

tham gia cptpp viet nam can chu dong duoc nguon nguyen lieu
Dệt may được đánh giá là ngành có lợi thế khi Việt Nam tham gia CPTPP. (Ảnh minh họa)

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: Trong thỏa thuận của Hiệp định CPTPP có một điều kiện để các hàng hóa được tham gia, đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa tính hàm lượng giá trị khu vực được gọi là RVC, tính bằng giá trị hàng hóa trừ đi phần nguyên liệu mà không có xuất xứ trong khối trên tổng giá trị hàng hóa, nên đây là thách thức rất lớn đối với các hàng hóa của Việt Nam.

"Dệt may được cho là ngành có lợi thế nhưng thực tế nguyên liệu xuất xứ phần lớn không nằm trong khối này, như vậy nếu tính tiêu chí về quy tắc xuất xứ, có khả năng Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm dệt may không thỏa mãn các điều kiện để đưa vào trong khối. Chính vì vậy, để đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ, phải sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ các nước mà không phải là các quốc gia trong khối để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay tại trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này", PGS.TS. Hoàng Văn Cường lưu ý./.

Chiều 12/11/2018, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% số đại biểu có mặt bấm nút tán thành. Như vậy, Việt Nam là nước thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này sau Australia, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Thời điểm Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đã rất gần.

Chủ tịch VCCI cho rằng, việc biến cơ hội thành lợi ích là vấn đề hoàn toàn khác so với nhận diện cơ hội ấy. Ông Lộc đánh giá, với các FTA khác, trung bình Việt Nam mới tận dụng được chưa đầy 40% về thuế quan.

Vì thế, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cần nhanh chóng cải cách thể chế, tạo điều kiện thật thuận lợi cho môi trường sản xuất kinh doanh, từ đó mới nâng cao được nội lực và tận dụng được cơ hội mà CPTPP mang đến.