Gia đình bà Dương Thị Tùn ở xóm Xuất Tác, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai từng được biết đến là gia đình có nguồn lao động dồi dào của địa phương, kinh tế tương đối khấm khá với 6 lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn mình bà là lao động chính. Vì vậy, bà Tùn chỉ cấy 2 mảnh ruộng nhỏ của vụ mùa, còn diện tích vụ đông năm nay thì bỏ không…Chia sẻ với chúng tôi, bà Tùn nói “Gia đình khó khăn, cấy hái không hiệu quả phải cho các con đi làm công nhân. Giờ còn hai ông bà ở nhà trông cháu để các con đi lao động, phát triển kinh tế gia đình. Ông thì sức khỏe yếu, do đó, công việc đồng áng chủ yếu mình tôi kham.

thai nguyen xuat hien tinh trang nong dan khong thiet tha voi dong ruong

Giờ đây chỉ còn lao động cao tuổi ở xã Phương Giao tham gia sản xuất nông nghiệp

Tương tự nhà bà Tùn, nhà anh Đỗ Văn Cường, người cùng xã Phương Giao có 3 anh em cũng đã đi làm công nhân trong các nhà máy. Do đó, việc sản xuất nông nghiệp trước đây là công việc chính thì nay đã chuyển thành phụ… Anh Cường cho hay: “Ước chừng cũng được khoảng 80 % lao động trẻ của xã đi ra lao động bên ngoài, chủ yếu là trong các khu công nghiệp. Bình quân thu nhập mỗi người cũng được trung bình 4 đến 5 triệu đồng/ tháng. Do vậy, lương thực trước ngày trồng dư có thể đem bán còn nay thiếu phải đi mua”…

Vụ mùa năm 2017, Võ Nhai dự kiến sản xuất 52.000 tấn lương thực có hạt. Tuy nhiên, tổng sản lượng chỉ đạt trên 49.000 tấn, giảm gần 4% so với cùng kỳ. Còn vụ đông sản lượng được dự báo sẽ còn giảm sâu vì lực lượng lao động nông nghiệp lớn đã dịch chuyển ra ngoài địa phương.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: “Những vùng, khu vực canh tác nào phù hợp ngành nông nghiệp, huyện sẽ chỉ đạo chuyển đổi thâm canh sang cây ăn quả như xã Tràng Xá và xã Phương Giao với cây trồng chủ lực là Bưởi Diễn và cây Na. Còn khu vực canh tác nào đất dốc khó thâm canh, bạc mầu, chúng tôi sẽ định hướng bà con chuyển sang trồng rừng, sản xuất, cây lâm nghiệp để phát triển kinh tế, không để hoang hóa đất đai…”.

Cũng giống như Võ Nhai, huyện Phú Bình cũng cùng thực tế nói trên. Tìm hiểu tại xã Thượng Đình, được biết, theo ước tính, lao động nông nghiệp đã giảm gần 2.000 người chiếm 40% lao động địa phương. Lao động không thiết tha với đồng ruộng nên diện tích ngô đông của xã giảm đi khoảng 40 ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Quang Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Đình chia sẻ: “Đối với cây trồng vụ 3, lao động phải vun xới, chăm sóc, bỏ nhiều công lao động. Mặt khác, hiện nay ở địa phương giá ngày công lao động cao nên không thể thuê canh tác để chịu lỗ. Chính vì vậy, họ xác định đi làm thuê, lao động trong khu công nghiệp chứ không màng tới luân canh vụ Đông”.

thai nguyen xuat hien tinh trang nong dan khong thiet tha voi dong ruong
Sau vụ mùa, người dân xã Thượng Đình, huyện Phú Bình không còn canh tác cây ngô như trước đây.

Lấy giá trị bù sản lượng, ngành nông nghiệp Phú Bình cũng đã động viên nông dân chuyển đổi cây trồng sang những loại có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế phát sinh do thiếu hụt lao động vẫn khó để bù đắp.

Thực tế trên được ông Nguyễn Văn Khiêm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình phân tích “Thực tế thì sản xuất cây vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chúng tôi đã định hướng, hướng dẫn bà con thâm canh sang cây ớt từ năm 2016. Hiện nay, 1 sào ớt nông dân xã Thanh Ninh thu về khoảng 30 triệu đồng, trong khi đó đầu tư cho đầu vào chỉ khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Với cây khoai tây, tuy giá trị kinh tế trung bình nhưng công lao động lại ít, đầu ra cũng ổn định nên cũng có thể xác định làm cây trồng chủ lực vụ Đông…”.

Thông tin thêm về nội dung trên, ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình nói “Hiện nay, do phần hỗ trợ của Nhà nước ít đi nên bà con đang bỏ phí một phần diện tích vụ Đông. Trước đây, với chính sách “Hỗ trợ trực tiếp” mà chúng ra vẫn quen gọi là “đầu đẩy” đã không còn hấp dẫn đối với sản xuất nông nghiệp. Mà cần có chính sách “đầu kéo” - tức là xúc tiến đầu ra, khâu nối tiêu thụ với sản xuất, đặc biệt là cho nông dân thấy phần giá trị kinh tế thì mới thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả…”.

Thực tế cũng cho thấy, với giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác cao ở một số địa phương thì nông dân vẫn đang canh tác hiệu quả trên đất nông nghiệp. Vấn đề là Ngành nông nghiệp, Nhà nước quy hoạch, định hướng sản xuất cho bà con nông dân như thế nào?.

thai nguyen xuat hien tinh trang nong dan khong thiet tha voi dong ruong
Cây ớt ở Thanh Ninh, Phú Bình đem lại giá trị kinh tế cao hơn các loại cây rau màu khác

Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thống kê hay nghiên cứu nào về sự ảnh hưởng của việc dịch chuyển lao động nhanh chóng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế tại 2 địa phương đã cho thấy hậu quả của tình trạng nông dân bỏ ruộng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa trong khi nhu cầu lương thực vẫn có xu hướng tăng nhanh trước sức ép của sự gia tăng dân số cơ học còn tiếp diễn trong thời gian tới đây.