Qua xử lý đơn thư cho thấy nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất và về tham nhũng, hành vi của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ, riêng tại Phòng tiếp công dân của tỉnh, số đơn khiếu nại có nội dung liên quan đến đất đai chiếm 89% trong tổng số đơn khiếu nại; số đơn tố cáo về tham nhũng liên quan đến đất đai chiếm 20% số đơn tố cáo.
Kết quả kiểm tra tổng hợp số lượng đơn khiếu kiện vượt cấp của năm 2008 tuy có giảm hơn so với năm 2007; nhưng tính chất và nội dung đơn khiếu nại, tố cáo có diễn biến phức tạp hơn các năm trước; Chỉ tính riêng tại Phòng tiếp công dân của tỉnh số đơn khiếu nại vượt cấp của năm 2008 chiếm 37,5%.Năm 2008 tình hình khiếu kiện đông người trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng, tính chất và nội dung đơn khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay đã đã tiếp 95 lượt khiếu kiện đông người, tăng 11,7% so với năm 2007 (tăng 10 lượt khiếu kiện đông người); có những vụ việc diễn biến rất phức tạp, chủ yếu là về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh một số vụ khiếu kiện đông người phức tạp kéo dài từ các năm trước, vụ khiếu nại của các hộ dân trên trục đường Cách mạng tháng 8 thành phố Thái Nguyên; vụ khiếu nại của 21 hộ dân xóm Chiến Thắng, xóm Mới xã Yên Lãng, huyện Đại Từ; vụ khiếu nại các hộ dân trên trục đường Quốc lộ 3, thuộc xã Sơn Cẩm, Cổ Lũng, thị trấn Đu và thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương; vụ khiếu nại của các hộ dân xóm Trại và xóm Núi Dài II, xã Nam Tiến huyện Phổ Yên; dự án Nhà điều hành Đại học Thái Nguyên; khu công nghiệp Sông Công… Trong năm 2008, có thêm 2 vụ khiếu kiện đông người rất phức tạp, gây bức xúc trên địa bàn tỉnh, như: vụ khiếu nại của hơn 80 hộ dân, thuộc một số xã của huyện Đại Từ và hơn 10 hộ dân của một số xã thuộc thành phố Thái Nguyên, do bị ảnh hưởng của dự án xây dựng đường điện 220 KV Tuyên Quang - Thái Nguyên, các hộ dân đó liên tục khiếu kiện lên tỉnh, lên Trung ương; vụ khiếu nại của công dân xóm Thuần Phát xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng, về ô nhiễm môi trường… thành phần tham gia khiếu kiện hầu hết là phụ nữ và người già, tập trung vây xung quanh Công ty liờn doanh kẽm điện phân Việt Bắc, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp, đơn ký tập thể với hơn 200 chữ ký gửi lên các cấp các ngành của tỉnh và Trung ương.
Một số vụ việc mặc dù đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật (lần 2) và văn bản trả lời của UBND tỉnh và đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp nhưng công dân vẫn tiếp khiếu với thái độ gay gắt. Một số đoàn đông người đã liên kết với nhau khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh, lên Trung ương; một số công dân có hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo kích động người khác khiếu kiện nói xấu Lãnh đạo, lăng mạ cán bộ tiếp dân và người thi hành công vụ có lúc gây mất trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của một số cơ quan đơn vị.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bức thiết trong năm 2008. UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho toàn ngành thanh tra là: Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng các cấp, các ngành; tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng phức tạp, nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và thực hiện thắng lợi mục tiêu “Cải cách hành chính - thu hút đầu tư” của tỉnh.
Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh cho thấy đến nay không có "điểm nóng" nhưng vẫn diễn biến phức tạp như vụ khiếu nại của các hộ dân thuộc Dự án đường điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên, vụ khiếu nại của một số công dân ở huyện Đại Từ, huyện Phú Lương, huyện Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ và một số phường thuộc thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công... Vì vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh.
UBND tỉnh tiếp tục bố trí tiếp công dân vào ngày 15 hàng tháng và duy trì Đoàn công tác liên ngành chuyên trách giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực có các công trình trọng điểm của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đúng thời gian quy định.
Năm 2008, lãnh đạo UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức tiến hành kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở những dự án và địa bàn trọng điểm có nhiều bức xúc, chỉ đạo Thanh tra tỉnh hướng dẫn và phối hợp với huyện, thành phố, thị xã, trên địa bàn tỉnh chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo, liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án, nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho chủ dự án thi công đúng tiến độ, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân khi bị thu hồi đất. Đồng thời thông qua các buổi tiếp công dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát các vụ việc thuộc thẩm quyền và các vụ đã có quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh, nhưng công dân vẫn còn khiếu kiện bức xúc, gay gắt, để xem xét giải quyết dứt điểm.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay, các cơ quan hành chính của tỉnh đã giải quyết được 239 vụ việc khiếu nại, tố cáo trên tổng số 270 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 86,5%.UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ rà soát 5 vụ khiếu nại đã có Quyết định giải quyết của UBND tỉnh nhưng công dân vẫn cố tình khiếu nại.
Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của Tổ công tác về giải quyết những vướng mắc, tồn tại thuộc Dự án đường điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ về cơ chế chính sách giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh và Thanh tra tỉnh đã xác minh, kết luận xong 21/23 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và rà soát 6/9 vụ mà UBND tỉnh đã có Quyết định giải quyết khiếu nại nhưng công dân còn tiếp khiếu.
Trong năm 2008, có thể thấy là Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Tỉnh uỷ, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh quan tâm thường xuyên và chỉ đạo sâu sát nhất quán, nhất là từ sau khi có Thông báo sè 130 cña Bộ Chính trị, văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Thông báo số 130 thì công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã có chuyển biến tích cực. Lãnh đạo UBND, Thường trực HĐND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã công bố công khai lịch tiếp dân hàng tháng và duy trì thường xuyên, nề nếp việc tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Ngoài những ngày lãnh đạo tỉnh tiếp công dân thì Phòng tiếp công dân của tỉnh vẫn thực hiện việc tiếp công dân hàng ngày theo quy định của pháp luật. Các cấp uỷ đảng, chính quyền và các địa phương đã xác định công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành do đó đã tập trung chỉ đạo giải quyết những vướng mắc mới phát sinh ngay từ cơ sở.
Trong năm, Lãnh đạo UBND tỉnh và Lãnh đạo các huyện, ngành đã trực tiếp xuống cơ sở, những nơi triển khai Dự án để kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ đạo xem xét giải quyết các khiếu kiện của công dân ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã cơ bản được giải quyết đảm bảo cho các dự án triển khai thi công kịp tiến độ.
Công tác kiểm tra trách nhiệm về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của của Thủ trưởng các ngành, các cấp được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tập trung vào những nơi có khiếu kiện đông người, những nơi đang có các Dự án, do vậy đã nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương, đơn vị trong năm qua.
Như vậy, có thể thấy mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Cấp uỷ, chính quyền các cấp và kịp thời phối kết hợp của các cơ quan, đơn vị, sự cố gắng khắc phục khó khăn của các cán bộ, công chức thực hiện công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2008 có những chuyển biến tích cực, góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đến nay, đã hạn chế những vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân để tồn đọng, kéo dài mà không được xem xét giải quyết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2008 của tỉnh Thái Nguyên vẫn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần được quan tâm, giải quyết, đó là:Vẫn còn có những nơi, Cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, chưa lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc giải quyết còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của một số công trình dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng xác minh, kết luận vận dụng chính sách pháp luật vào điều kiện thực tế có trường hợp không chính xác, cá biệt có trường hợp tham mưu ra quyết định giải quyết chưa đúng quy định của pháp luật hoặc để kéo dài, giải quyết không triệt để gây bức xúc, phức tạp thêm.
Sự phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan, đoàn thể chưa chặt chẽ, công tác hoà giải, đối thoại chưa tốt; có những vụ việc thuộc thẩm quyền nhưng chậm giao nhiệm vụ xác minh, kết luận. Có vụ việc cơ quan tham mưu đã có kết luận nhưng chậm ra quyết định giải quyết.Việc tổ chức thực hiện, chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm. Có những nơi chính quyền cơ sở chậm thực hiện hoặc không tập trung phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức thực hiện kịp thời quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp trên nên để dây dưa, kéo dài.
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục Pháp luật ở một số cơ sở còn chưa tốt, người dân không hiểu về luật pháp… nên vẫn còn tình trạng người đi khiếu kiện chưa đúng pháp luật, gửi đơn thư tràn lan, vượt cấp còn nhiều và khá phổ biến hoặc do hiểu biết pháp luật hạn chế, hoặc có động cơ khác nên người khiếu kiện vẫn cố tình không chấp nhận quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, vẫn viết đơn gửi đi nhiều nơi làm phức tạp thêm tình hình.Một số đối tượng đi khiếu kiện có hành vi quá khích, thậm chí vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo kích động, xúi giục, gây rối làm ảnh hưởng đến công tác và hoạt động bình thường của một số cơ quan, đơn vị chưa bị xử lý kịp thời.
Những hạn chế và tồn tại nêu trên được xác định bởi nguyên nhân: Hệ thống văn bản về chính sách, pháp luật nhà nước ta, đặc biệt là về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng còn có những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, không sát với thực tế lại thường xuyên thay đổi; Việc bố trí tái định cư chưa tốt cũng là nguyên nhân chính dẫn tới khiếu kiện bức xúc trong thời gian vừa qua.
Một số nơi lãnh đạo cấp uỷ Đảng và chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Sự tham gia phối kết hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp chưa được thường xuyên, chặt chẽ, việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật ở một số nơi còn chưa nghiêm túc.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở một số địa phương, đơn vị còn yếu kém, trách nhiệm chưa cao, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho công dân trong khi thi hành công vụ, khi giải quyết công việc của dân, quá trình áp dụng chính sách, pháp luật để giải quyết quyền lợi của công dân có nơi, có việc chưa chính xác ch­a công bằng dẫn đến phát sinh khiếu nại và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Khi công dân khiếu kiện, quá trình giải quyết của các cấp thuộc thẩm quyền cña m×nh còn chậm, một số nội dung chưa được xác minh kỹ và hồ sơ xác minh còn thiếu chặt chẽ nên khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại công dân không đồng tình, tiếp tục đi khiếu kiện.
Một số đối tượng cố tình không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo cố tình đeo bám khiếu kiện dai dẳng; một số đối tượng lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành động quá khích, lôi kéo, dụ dỗ, kích động khiếu kiện, nhưng chưa được xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Việc xử lý cán bộ công chức làm sai chưa kịp thời, chưa nghiêm minh.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm đượcUBND tỉnh Thái Nguyên xác định đó là: Tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên thực hiện nghiêm túc quy định về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh.
Khi có phát sinh khiếu kiện, các địa phương, ngành chức năng phải kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm, những yêu cầu chính đáng của công dân theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền và kiên quyết không để lợi dụng khiếu nại, tố cáo làm mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Những biện pháp được tỉnh chỉ đạo trong năm thời gian tới là phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ...Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các địa phương chủ động rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng và thống kê kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh để đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm từng vụ việc, không để còn những vụ việc dân bức xúc nhưng không được xem xét giải quyết. Đối với những vụ việc khiếu nại đông người, phải có biện pháp, đồng bộ phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và địa phương để tập trung giải quyết cụ thể; giao trách nhiệm cho các địa phương, các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chấp hành các quyết định đã giải quyết đúng chính sách pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, chính quyền phải trực tiếp tổ chức đối thoại với dân, vận động nhân dân chấp hành việc giải quyết đúng pháp luật của các cấp; nếu có sai sót phải công khai xin lỗi và có biện pháp khắc phục.
Trường hợp có những vụ việc phức tạp liên quan đến các quy định, chính sách của từng thời kỳ phải xin ý kiến của các cơ quan cấp trên trong quá trình giải quyết. Những trường hợp do chính sách bất cập phải xem xét cụ thể để có kế hoạch giải quyết có tình, có lý.
Khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế xã hội có liên quan đến quyền lợi của dân phải: công khai quy hoạch, kế hoạch; công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, phải bàn bạc thấu đáo với dân trước khi thực hiện. Nơi nào dân chưa đồng tình thì các đồng chí lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền phải tổ chức họp với dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, giải thích cho dân. Không triển khai các bước thu hồi giải phóng mặt bằng khi người đứng đầu Đảng, chính quyền địa phương chưa gặp dân, đối thoại với dân.
Trước khi giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người, các địa phương, cơ quan chứ năng tiến hành phân loại. Trường hợp do bị thu hồi đất dẫn đến người dân khó khăn trong tìm kiếm việc làm và đời sống, cấp uỷ, chính quyền cần xem xét từng trường hợp cụ thể vận dụng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống. Vận dụng chính sách một số trường hợp phải thận trọng, mềm dẻo, tạo đồng thuận trong nội bộ nhân dân, tránh do giải quyết khiếu nại tắc trách, áp dụng pháp luật cứng nhắc để dân đối lập với chính quyền; những việc giải quyết có sai sót phải giải quyết lại cho đúng, không bảo thủ, không né tránh trách nhiệm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng, chỉ đạo trực tiếp của chính quyền đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể xã hội.
Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo bất chấp pháp luật và các hành vi tổ chức kích động lôi kéo người khác đi khiếu nại, tố cáo: đối với những trường hợp đã giải quyết có lý, có tình nhưng công dân vẫn cố tình khiếu nại hoặc trường hợp tụ tập thành đoàn đông người đi khiếu nại hoặc do bị đối tượng lôi kéo, kích động phải phân loại để có biện pháp xử lý đúng pháp luật.
Củng cố một bước bộ máy, cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải gắn công tác tiếp dân với theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết, chuyển đơn đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấm dứt tình trạng nhận đơn, chuyển đơn đùn đẩy trách nhiệm hoặc né tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và báo cáo kịp thời tình hình liên quan đến khiếu nại, tố cáo của công dân ở ngành và địa phương đến các cơ quan chức năng của tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Với những biện pháp tích cực và trên tinh thần đối thoại dân chủ và cởi mở, tin rằng trong thời gian tới và những năm tiếp theo, Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh Thái Nguyên sẽ được quan tâm hơn nữa vì mục tiêu phát triển kinh tế - Xã hội của tỉnh trong sự phát triển, đi lên cùng cả nước./.
Tổng hợp và Biên tập: Nguyễn Bảo Lâm