thai nguyen tiep tuc khan truong ung pho voi dich ta lon chau phi
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo sở NN&PTNT; các ngành trực tiếp kiểm tra ổ dịch tại huyện Phú Bình và chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh

Phóng viên: Xin ông cho biết trong tình hình cụ thể hiện nay thì bệnh dịch tả lợn Châu phi đang diễn biến tại tỉnh Thái Nguyên cho đến thời điểm hiện tại như thế nào?

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng: Đối với tỉnh Thái Nguyên, dịch bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 3; cho đến nay, qua 5 ngày từ 6-10/3, đã có 16 cơ sở chăn nuôi có báo cáo với chính quyền địa phương có lợn ốm, sốt, bỏ ăn, và tất cả những hộ này, cơ quan thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương đến khám lấy mẫu máu, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới có một cơ sở chăn nuôi duy nhất là hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Thạo ở xóm giữa, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Toàn bộ số lợn đã được phát hiện sớm, xử lý tiêu hủy triệt, kịp thời.

thai nguyen tiep tuc khan truong ung pho voi dich ta lon chau phi
Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên

Phóng viên: Trong dư luận hiện nay xuất hiện một số thông tin gây hoang mang và bất lợi cho người chăn nuôi lợn cũng như người kinh doanh sản phẩm thịt lợn, vậy Ông có những khuyến cáo gì đến người tiêu dùng để họ có cái nhìn đúng đắn về sản phẩm thịt lợn hiện nay trên thị trường?

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng: Theo các Nhà khoa học, Bệnh dịch tả lợn Châu Phi do một loài virut gây nên, gây bệnh cho các loài lợn kể cả lợn nhà, lợn rừng ở các lứa tuổi khác nhau. Virut này có tính chất lây lan rất nhanh và khi lợn mắc bệnh, virut gây chết lợn nhanh và tỷ lệ chết có thể lên tới 100%. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Mặt khác virut dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng rất lớn với môi trường bên ngoài. Ở nhiệt độ phòng, virut có thể tồn tại từ 4 đến 5 tuần, ở sản phẩm thịt lợn đông lạnh, virut có thể tồn tại từ 5 đến 6 năm. Virut có thể tồn tại ở những sản phẩm thịt lợn đã chế biến, thịt lợn xông khói trong một thời gian dài.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi có 04 thể: Cấp tính, quá cấp tính, mạn tính và thể ẩn tính. Ở thể quá cấp tính và cấp tính lợn mắc bệnh thường ủ bệnh từ 5 đến 7 ngày, sau đó phát dịch biểu hiện các triệu chứng bệnh tích đặc trưng của bệnh. Đối với thể mạn tính, lợn mắc bệnh lai dai, kéo dài. Lợn mắc bệnh ẩn tính cũng rất nguy hiểm, không biểu hiện rõ triệu chứng bệnh tích đặc trưng của bệnh, sống lai dai và đó là nguồn chứa mầm bệnh, gây nên những nguy cơ phát sinh ổ dịch mới.

Tuy nhiên, vi rút gây bệnh cho lợn lại không lây sang con người, không gây bệnh cho con người, và chúng tôi cũng đã khuyến cáo ở những vùng an toàn dịch bệnh, người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng thịt lợn bình thường và không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng với điều kiện, người tiêu dùng nên mua thịt lợn ở những nơi đảm bảo truy suất được nguồn gốc, đảm bảo ATTP. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống quyết liệt theo cơ quan thú y, cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo các cấp, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ, phát triển chăn nuôi, ổn định sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân và đảm bảo tăng trưởng phát triển của Ngành Nông nghiệp và PTNT. Con lợn và một trong những vật nuôi hết sức quan trọng, chiếm trên 70% tỷ trọng về tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm, thịt động vật của tỉnh Thái Nguyên.

Phóng viên: Còn đối với người chăn nuôi, Ông có khuyến cáo như thế nào với họ về công tác tái đàn?

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng: Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, về việc tái đàn, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi nên cân nhắc thật kỹ việc tái đàn hay không, thời điểm tái đàn, quy mô tái đàn; nếu có kế hoạch tái đàn thì phải chủ động về điều kiện vệ sinh an toàn phòng bệnh để đảm bảo an toàn khi tái đàn và các giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa, phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đối với những vùng hiện nay đang có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, có nguy cơ cao thì không nên tái đàn ở thời điểm này. Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi không vội vàng tái đà. Việc tái đàn phục thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh và khả năng phòng chống dịch, dập dịch của toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, cả hệ thống chính trị, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân đang hết sức tích cực tập trung ưu tiên cao độ về thời gian, kinh phí cũng như công sức cho công tác chống dịch. Hiện nay, mặc dù có nhiều cơ sở báo dịch, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và mọi người dân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi thu gom, giết mổ, buôn bán kinh doanh liên quan đến động vật hãy vào cuộc có tinh thần trách nhiệm, hợp tác với cơ quan thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng về những nội dung liên quan cũng như đã nhận lời phỏng vấn của Phóng viên!