Một góc thị trấn Chợ Chu (Định Hoá) - Ảnh Thế Hà.
Một góc thị trấn Chợ Chu (Định Hoá) - Ảnh Thế Hà.
Tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới năm 2012 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2013 do Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 7/3 tại Thái Nguyên, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.

Sự chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp của tỉnh Thái Nguyên đã có sự chủ động, đổi mới. Có kế hoạch phân công cho các ngành và địa phương đồng thời bố trí nguồn lực từ ngân sách và lồng ghép các nguồn lực một cách hợp lý để thực hiện chương trình.

Trong năm 2012, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành 100% quy hoạch nông thôn mới đối với 143 xã. Hết năm 2012, toàn tỉnh có thêm 1 xã đạt từ 14-19 tiêu chí, 36 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 83 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, số xã đạt dưới 5 tiêu chí giảm xuống còn 55 xã.

Về đề án xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất đến nay đã quy hoạch được 32.222 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, 220.752 ha đất phục vụ sản xuất tập trung, trong đó trồng trọt là 47.226 ha, chăn nuôi 4.444 ha, thủy sản 3.380 ha, lâm nghiệp 147.333 ha, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 5.703 ha và làng nghề là 12.662 ha.

Cùng với đó, nhờ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nên phong trào xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, công tác xây dựng nông thôn mới ngày càng có những chuyển biến tích cực và từng bước được xã hội hóa. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã nhận được nhiều đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến được 128,7 ha đất, đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp được 1.509 km đường giao thông nông thôn, 70,5 km kênh mương thủy lợi, 71 trạm điện, hơn 200 km đường điện, 3 điểm bưu điện văn hóa xã, 97 trường học, 17 trạm y tế xã, 06 trụ sở xã…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình vẫn còn một số hạn chế như nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa đồng đều. Một số các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa chủ động rút kinh nghiệm qua thực tế chỉ đạo. Sự phối hợp hoạt động và tham mưu còn thiếu chặt chẽ, tâm huyết. Một số địa phương chưa đánh giá đúng hiệu quả vốn đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư còn dàn trải, chưa có trọng tâm...

Do đó, trong năm 2013, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn phổ biến các nội dung thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, khu dân cư, khu phát triển sản xuất tập trung; Tham gia với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu đề xuất ứng dụng, nhân rộng các hình thức quản lý, tổ chức sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; Khuyến khích đưa khoa học công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới…

Theo đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, để phong trào nông thôn mới có những chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu, tới đây, Ban chỉ đạo tỉnh và các địa phương cần thẳng thắn đánh giá những mặt thiếu sót còn tồn tại, đồng thời tìm ra giải pháp tháo gỡ. Đánh giá các tiêu chí sát với thực tế, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong việc tham gia, đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh.

Theo Báo Đảng CSVN