20 con lợn của gia đình anh Tạ Văn Tiến, xóm Tân Thành, xã Đông Cao, Thị xã Phổ Yên vừa bị tiêu hủy vì mắc bệnh lở mồm, long móng. Nhiều năm nay, bệnh lở mồm long móng mới xuất hiện trở lại và gây thiệt hại lớn như vậy cho gia đình anh…

Anh Tiến cho biết "Nhà nước hỗ trợ giá là 38 ngàn đồng/cân lợi hơi, sau đó gia đình thuê máy về múc hố để tiêu hủy"

Ngay sau khi phát hiện bệnh lở mồm, long móng, các địa phương có lợn mắc bệnh đã xử lý kịp thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi tiêu hủy thu gom phân, rác, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu độc. Đồng thời, triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng trên đàn gia súc để bao vây ổ bệnh, phun hóa chất, rắc vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Toàn tỉnh hiện đã tiêu hủy 177 con lợn mắc bệnh với trọng lượng trên 13.000kg.

Ông Dương Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công, Thị xã Phổ Yên nói "Chúng tôi cũng khuyến cáo đến bà con nông dân khi chăn nuôi phát hiện ra hộ gia đình có dịch bệnh phải báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở, đồng thời làm tốt công tác khử trùng, tiêu độc, như là rắc vôi và các biện pháp khác để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên địa bàn".

Không chủ quan trước những diễn biến khó lường, các địa phương có số lượng, đàn gia xúc lớn cũng chủ động trích nguồn ngân sách khẩn cấp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, triển khai mọi điều kiện dập bệnh tốt nhất. Kiên quyết không để bệnh lây lan. Huyện Phú Bình là một ví dụ.

thai nguyen chu dong phong chong dich lo mom long mong
Phun thuốc tiêu trùng, khử độc chuồng trại chăn nuôi đề phòng dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi

"Huyện đã trích khoảng 500 triệu từ ngân sách để giao cho các cơ quan liên quan như Trạm Thú y mua 1.000 thuốc khử trùng tiêu độc, 15.000 liều vắc xin để phổ biến cho các xã, không được vận chuyển gia súc, gia cầm khi bị dịch bệnh, đặc biệt không được dẫn dịch" - Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết:

Ông Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên khẳng định "Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 700 nghìn con lợn, trong đó, đàn lợn thịt khoảng 600 nghìn con, do đó, nếu chúng ta không thực hiện quyết liệt, triệt để các biện pháp chống dịch thì nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới sẽ rất cao. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi đã rất nỗ lực cùng với các địa phương triển khai các giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn tối da tình trạng lây lan cũng như hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con".

Bệnh lở mồm, long mong ở Thái Nguyên hiện nay chưa phải là dịch nhưng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh cũng quyết liệt yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm; bên cạnh đó, có phương án tài chính cụ thể để hỗ trợ các hộ dân có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy; tăng cường công tác hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện “5 không”: không giấu dịch, không bán chạy lợn, không giết mổ, không tự ý điều trị và không vứt xác gia súc mắc bệnh chết ra môi trường bên ngoài. Đặc biệt, đối với lợn mắc bệnh lở mồm, long móng bà con tuyệt đối không được điều trị mà phải tiến hành tiêu hủy, lợn trong đàn chưa có triệu trứng lâm sàng phải nuôi cách ly./.