ban kinh te trung uong khao sat xay dung cac de an trinh bo chinh tri
Toàn cảnh Hội nghị

Buổi làm việc nhằm khảo sát, phục vụ việc xây dựng Đề án "Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Đề án "Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hai đề án này sẽ được trình Bộ chính trị vào quý 4 năm 2020.

Theo Quy hoạch tổng thể, tỉnh Thái Nguyên đặt ra tỷ lệ đô thị hóa theo từng giai đoạn là: 36% vào năm 2020 và tăng lên tương ứng 40,5% - 45% vào năm 2025 và 2030. Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp vật liệu, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất với công nghệ tiên tiến, đồng thời chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ sở sản xuất thủ công hiện có nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực này.

Tại hội nghị, các Sở, Ngành của tỉnh Thái Nguyên đã phân tích làm rõ định hướng phát triển các lĩnh vực Đô thị và phát triển công nghiệp vật liệu trên địa bàn, đồng thời đề xuất kiến nghị với trung ương nhiều nội dung liên quan đến mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp vật liệu cũng như quy mô tốc độ tăng trưởng đô thị và mô hình tăng trưởng hệ thống đô thị trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong quá trình xây dựng các đề án, các thành viên Tổ biên tập, các bộ, ngành, trung ương cần đặc biệt quan tâm tới việc ban hành nội dung liên quan đến quản lý nhà nước, cần có lộ trình và bước đi thích hợp và phải cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật. Cùng với đó, đ/c mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các thành viên Tổ biên tập, các bộ, ngành, trung ương, để Thái Nguyên thực hiện hiệu quả hơn nữa các nội dung liên quan trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: 2 đề án trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xem xét, đánh giá lại tình hình, thực trạng phát triển về đô thị và phát triển công nghiệp vật liệu chung của cả nước và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đồng chí nhấn mạnh, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sự phát triển chung của vùng Thủ đô Hà Nội và khu vực miền núi phía Bắc. Do đó những kinh nghiệm của Thái Nguyên sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương và Tổ biên tập nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị. Việc thông qua các đề án sẽ góp phần giúp lĩnh vực Đô thị và Công nghiệp vật liệu cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng có những bước đột phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong chương trình làm việc, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại một số địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm củng cố thêm cơ sở thực tiễn để phục vụ xây dựng 2 đề án trên.