thai lan dich vu an uong bi anh huong nang ne vi dich covid 19
Các nhà hàng tại Thái Lan vắng lặng giữa dịch COVID-19. (Ảnh: Nast Traveler)

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng ở Thái Lan, với khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp dự kiến sẽ phải rời khỏi lĩnh vực kinh doanh này trong năm nay.

Truyền thông sở tại dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Nhà hàng (RBA) của Thái Lan, bà Ladda Sampawthong, nhận xét dịch COVID-19 là nhân tố mới nhất trong một loạt những yếu tố tiêu cực tác động tới ngành kinh doanh nhà hàng.

Bà Ladda cho biết ngành nhà hàng ở Thái Lan đã chứng kiến một vài lần khó khăn trong thập niên qua, nhưng tất cả đều vượt qua. Tuy nhiên, dịch COVID-19 là tồi tệ nhất so với bất kỳ cuộc khủng hoảng mà trong quá khứ. RBA cho rằng 10-15% các doanh nghiệp, đặc biệt là những nhà hàng, quán ăn có quy mô lớn và trung bình, sẽ rời khỏi ngành công nghiệp trị giá 400 tỷ baht (12,5 tỷ USD) trong năm 2020.

Bà Ladda nói rằng phần lớn những nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nhất có vị trí trong những địa điểm du lịch. RBA hiện đang tham khảo ý kiến với các ngân hàng thương mại về hỗ trợ tài chính, kể cả lãi suất đặc biệt đối với những khoản vay.

RBA có khoảng 50.000 hội viên trên toàn quốc và đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị vào cuối tháng này nhằm tìm kiếm những biện pháp mới để hỗ trợ các thành viên.

Theo Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (K-Research), lượng tiền để mua thực phẩm của du khách nước ngoài chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu của họ khi ở Thái Lan, đạt giá trị 1,93 tỷ baht trong năm 2019.

Trong khi đó, người dân địa phương hiện đang lựa chọn ở trong nhà do dịch COVID-19, trong khi nền kinh tế ảm đạm gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Người tiêu dùng cũng đang thận trọng hơn với chi tiêu.

K-Research cho biết ngành kinh doanh thực phẩm của Thái Lan tăng trưởng 2,6% trong năm 2019, đạt 431 tỷ baht, so với mức tăng trưởng 4,2% năm 2017 (400 tỷ baht) và 5,1% năm 2018 (420 tỷ baht). K-Research dự báo kinh doanh thực phẩm của Thái Lan có thể giảm 4,3-6,6% trong năm 2020, xuống còn 402-412 tỷ baht, nếu dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết số du khách nước ngoài tới Thái Lan trong tháng 2/2020 đã giảm 44,3% so với cùng kỳ năm trước do tác động của dịch COVID-19, trong đó du khách từ thị trường du lịch lớn nhất của Thái Lan là Trung Quốc sụt giảm 85,3%.

Chính phủ Thái Lan dự báo ngành du lịch nước này sẽ mất khoảng 30% lượng khách du lịch Trung Quốc trong quý I/2020. Con số này có thể tăng lên 50% nếu dịch bệnh tiếp tục là một mối lo ngại trong quý tiếp theo. Năm 2019, du khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 18 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng chi tiêu của du khách nước ngoài tại Thái Lan.

Kịch bản tồi tệ nhất mà TAT đưa ra là lượng du khách nước ngoài có thể giảm xuống 30 triệu lượt trong năm nay, với tổng mức chi tiêu giảm 22%, nếu tình hình dịch bệnh chạm đáy vào tháng Năm. Trước đó, TAT đã hạ dự báo lượng du khách nước ngoài tới “Xứ sở chùa Vàng” trong năm nay xuống còn 33 triệu lượt, giảm 3 triệu lượt so với mục tiêu mới nhất và thấp hơn khoảng 6-7 triệu lượt so với mức kỷ lục 39,8 triệu lượt ghi nhận trong năm 2019.

Trong khi đó, cũng có dự báo rằng lượng người Thái Lan đi du lịch nước ngoài có thể giảm từ 11 triệu lượt năm 2019 xuống còn 8-9 triệu lượt trong năm 2020 nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài trong suốt năm nay.

Du lịch là động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này trong những năm gần đây. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% GDP của nước này trong năm 2020.

Kết quả thăm dò dư luận do Viện quản lý phát triển quốc gia (NIDA) của Thái Lan công bố ngày 15/3 cho thấy phần lớn người dân nước này (68,18% số người được hỏi) lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19, nói rằng họ sợ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch này.

Thái Lan ghi nhận 32 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 15/3, nâng tổng số các trường hợp lây nhiễm lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 là 114 bệnh nhân, giữa lúc có khuyến cáo từ các bác sĩ rằng quốc gia Đông Nam Á này đang bước vào “giai đoạn ba” của dịch bệnh, tức là có sự lây lan rộng trong cộng đồng./.