Nhiều thách thức

Theo báo cáo của các huyện, thành phố của Thái Bình, tính đến ngày 31.12.2017, toàn tỉnh đã có 429.687 hộ dân của 276 xã, thị trấn đã đấu nối, sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 77,8%. Nếu không tính 17 xã thuộc phạm vi cấp nước của Công ty cổ phần Nước sạch Hưng Hà thì tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch bình quân đạt 84,05%.

thai binh dua nuoc sach den 100 ho dan nong thon khong hoan thanh lanh dao dia phuong chiu trach nhiem
Thái Bình phấn đấu 100% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt vào tháng 5.2018. Ảnh" H.Đ

Nói về lợi ích của việc dùng nước sạch, ông Lại Xuân Kiều - một hộ nghèo ở xã Nam Chính, huyện Tiền Hải cho biết, nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì khéo gia đình ông sẽ không bao giờ có nước sạch để dùng. "Từ khi có nước sạch để dùng, gia đình tôi thấy rất yên tâm và sức khỏe cũng được đảm bảo hơn" - ông Kiều nói.

Nguyên nhân được Ban chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình chỉ ra, đó là do nhận thức của nhân dân trong việc sử dụng nước sạch còn hạn chế, mang nặng tư tưởng bao cấp. Điều đáng nói hơn là tại các địa phương, chính quyền và tổ chức đoàn thể chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy mạnh sử dụng nước sạch nông thôn, còn phó mặc cho các doanh nghiệp cấp nước. Vẫn còn một số địa phương chưa kịp thời, sát sao và còn chậm trễ trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Nói về vấn đề này, ông Đinh Cao Tần - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và vận tải Sông Hồng cho rằng: “Công ty đã đầu tư vài chục tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch với công suất 12.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 9 xã phía Nam của huyện Tiền Hải. Đến tháng 12.2016, 100% đường ống dịch vụ đến ngõ của các hộ dân đã lắp xong. Tuy nhiên, phần lớn hộ dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dùng nước sạch trong sinh hoạt nên việc sử dụng của bà con chưa cao. Chúng tôi đang rất mong chính quyền địa phương vào cuộc cùng doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân đấu nối sử dụng nước sạch sớm để phục vụ sinh hoạt và tránh lãng phí công trình”.

Nhiều giải pháp được đưa ra

Ông Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình cho biết, để thực hiện các mục tiêu 100% hộ dân tại khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các công tác tháo gỡ khó khăn, nhất là vấn đề đấu nối nước sạch nông thôn. Nếu địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, không đánh giá thi đua, không xem xét giải quyết đề nghị hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

Đối với các công ty cấp nước sạch thực hiện chậm trễ, không cấp nước kịp thời cho các hộ dân trong phạm vi dự án, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hoặc dự án có tỷ lệ đấu nối thấp dưới 65%, thì chưa xem xét giải quyết đề nghị hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.

Tại huyện Quỳnh Phụ, để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, nhất là với đối tượng chính sách, địa phương này đã tổ chức trao tặng bồn chứa nước cho các hộ nghèo ở các xã, thị trấn trong huyện. Theo đó, mỗi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 1 bồn chứa nước Tân Á 1.000 lít và 200.000 đồng, tổng giá trị là 2 triệu đồng.

Ngoài ra, để khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nghèo sử dụng nước máy trên địa bàn huyện, trong số tiền 2,7 triệu đồng phí đấu nối mới, hộ nghèo chỉ phải đóng trước 500.000 đồng, số tiền còn lại được trả góp trong thời gian 20 tháng.

Cũng tại huyện Tiền Hải, UBND huyện Tiền Hải có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí bằng hình thức xã hội hóa cho hộ nghèo trong toàn huyện, mỗi hộ 500.000 đồng. Huyện cũng đề nghị Ngân hàng CSXH kết hợp với UBND các xã giải quyết nguồn vốn vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường đảm bảo thời gian quy trình thủ tục theo đúng quy định, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn kịp thời đấu nối và sử dụng nước sạch.