tau nasa bay qua sieu bao rong 16000 km tren sao moc
Tàu Juno bay qua gần Vết đỏ lớn. Ảnh: NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận tàu vũ trụ không người lái Juno lướt qua cách cơn bão Vết đỏ lớn 9.000 km lúc 2h06 ngày 11/7 trong chuyến bay thứ sáu quanh sao Mộc, theo New Atlas. Các thiết bị khoa học trên tàu và máy chụp ảnh JunoCam đã truyền dữ liệu về Trái Đất sau lần tiếp cận. NASA cho biết sẽ công bố ảnh chụp thô trong vài ngày tới.

Chuyến bay hôm qua là lần tiếp cận Vết đỏ lớn ở khoảng cách gần nhất của tàu Juno. Vết đỏ lớn là cơn bão lốc rộng 16.000 km ở tầng thượng quyển của sao Mộc, hoạt động trên hành tinh suốt hơn 350 năm. Cơn bão được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà khoa học người Anh Robert Hooke năm 1664 và được các nhà thiên văn liên tục theo dõi từ năm 1830.

Vết đỏ lớn có dấu hiệu thu nhỏ dần trong những năm gần đây. Điều này thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học bởi cơn bão không chỉ hé lộ cấu trúc khí quyển sao Mộc mà còn cung cấp hiểu biết về khí hậu hành tinh.

Theo NASA, Juno đáp xuống điểm gần sao Mộc nhất lúc 1h55 ngày 11/7, cách những đám mây ở trên cùng 3.500 km và mất thêm 11 phút 33 giây để đến gần Vết đỏ lớn.

Rời khỏi bệ phóng vào ngày 5/8/2011, tàu vũ trụ Juno sử dụng năng lượng Mặt Trời bay đến sao Mộc ngày 4/7/2016. Theo dự kiến, lần bay sát sao Mộc tiếp theo của Juno sẽ diễn ra hôm 1/9.

"Mọi người trên khắp thế giới đều choáng ngợp trước Vết đỏ lớn", Scott Bolton, nhà khoa học chính thuộc dự án Juno ở Viện nghiên cứu Southwest ở San Antonio, Texas, Mỹ, cho biết. "Giờ đây, cuối cùng chúng ta cũng sẽ thấy cơn bão trông như thế nào khi nhìn cận cảnh".