Hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết, trong một động thái nhằm thực thi “quyền tự do hàng hải” và thách thức Trung Quốc, tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion đã đi sát các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông trên đường đến Việt Nam.

tau hai quan anh thach thuc tuyen bo phi phap cua trung quoc o bien dong
Hình ảnh HMS Albion cập cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết, tàu đổ bộ 22.000 tấn này đã đưa Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đi qua quần đảo Hoàng Sa trên đường đến thành phố Hồ Chí Minh, nơi HMS Albion cập bến ngày 3/9.

Một trong các nguồn tin cho biết phía Trung Quốc đã cử một tàu khu trục và 2 máy bay trực thăng đến “thách thức” tàu đổ bộ của Anh nhưng cả 2 bên vẫn giữ bình tĩnh trong cuộc “đối đầu này”.

Theo nguồn tin kia, HMS Albion không đi vào vùng lãnh hải quanh bất cứ thực thể nào ở khu vực tranh chấp này nhưng đã chứng minh rằng, Anh không công nhận bất cứ tuyên bố hàng hải quá đáng nào quanh quần đảo Hoàng Sa.

Một người phát ngôn của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết: “HMS Albion đã thực thi quyền tự do hàng hải hoàn toàn phù hợp vói luật pháp và qui định quốc tế.

Reuters cho biết, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều chưa đáp lại yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Hải quân Mỹ cũng đã thực hiện các Chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở khu vực này. Hưởng ứng lời kêu gọi của Washington mong muốn cộng đồng quốc tế có thêm những hành động tương tự, Anh cũng đã bắt đầu thách thức các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược với lượng hàng hóa được vận chuyển qua đây lên đến hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm.

Hải quân Anh trước đây cũng đã đưa thuyền tới gần quần đảo Trường Sa nhưng không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể ở đây.

Tuy nhiên, các Chiến dịch tự do hàng hải vẫn chủ yếu mang tính hình thức và đến nay vẫn chưa thể thuyết phục được Bắc Kinh ngừng các hoạt động ở Biển Đông, bao gồm việc cải tạo các rặng san hô và đảo cũng như xây dựng các đường băng, hầm và lắp đặt hệ thống tên lửa ở đây.

Thế nhưng Bắc Kinh lại ngang nhiên nói rằng họ xây dựng trên lãnh thổ của Trung Quốc, và rằng các cơ sở vật chất này phục vụ mục đích dân sự cũng như cần thiết cho việc tự vệ, sau đó tố ngược lại rằng Washington mới là bên quân sự hóa Biển Đông bằng các Chiến dịch tự do hàng hải trên.

Các máy bay và tàu chiến nước ngoài ở khu vực này hoặc đi qua đây thường bị thách thức bởi các tàu hải quân và các trạm giám sát của Trung Quốc trên các đảo đã được bồi đắp, cải tạo.

Hồi tháng 4 vừa qua, các tàu chiến từ Australia, cũng là đồng minh thân cận của Mỹ giống như Anh, cũng đã có một hành động mà nước này mô tả là “cuộc đối đầu” rất gần với các tàu của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông./.