Với cuộc tập trận chung tiến hành trên Biển Baltic, Trung Quốc và Nga đang phát ra tín hiệu với NATO rằng hai cường quốc này muốn hợp tác về mặt quân sự và đẩy mạnh quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Theo các chuyên gia, tham vọng mà Trung Quốc muốn hướng tới là "phủ" hải quân của mình trên phạm vi toàn cầu.

tap tran voi nga tren bien baltic trung quoc co tham vong gi

Theo nguồn tin của NATO, một chiến hạm "khủng” của Trung Quốc đã thẳng tiến đến cảng Baltijsk của Nga nằm bên bờ biển Baltic thuộc thành phố Kaliningrad vào ngày 21/7. Mục đích là để tham gia cuộc diễn tập trận chung trên biển với Nga trong khuôn khổ chương trình "Hợp tác Hàng hải 2017" kéo dài từ ngày 24/7 đến 27/7.

Cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Baltic với Nga lần này là sự phô bày mới nhất về tham vọng địa chính trị của Trung Quốc khi Bắc Kinh muốn tăng tầm ảnh hưởng của mình trong các vấn đề quốc tế và chiến lược.

Chính sách chú trọng mở rộng hải quân của Trung Quốc còn là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nhận thức rằng việc trở thành một cường quốc trên thế giới đòi hỏi điều kiện tiên quyết là phải trở thành một cường quốc về hàng hải. Còn đối với Nga, cuộc tập trận chung này là dịp phô trương sức mạnh ở ngay cửa ngõ tiến vào châu Âu và trên bờ biển Baltic nơi mối lo ngại của phương Tây về sự mở rộng của Nga đang ở mức cao nhất.

Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc

Năm 2015, Trung Quốc đã công bố một tài liệu trắng vạch rõ tầm quan trọng của hải quân đối với tương lai của đất nước. Tài liệu này có đoạn: "Trung Quốc cần phát triển một cơ cấu sức mạnh quân sự hàng hải hiện đại phù hợp với an ninh quốc gia và lợi ích phát triển […] nhằm đưa ra sự hỗ trợ chiến lược để xây dựng đất nước trở thành một cường quốc về hảng hải”.

Theo một tài liệu nghiên cứu do Ronald O'Rourke, một chuyên gia người Mỹ về các vấn đề hải quân viết cho Nghị viện Mỹ, Trung Quốc có một loạt mục tiêu chiến lược về hải quân. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là khả năng can thiệp quân sự ở Đài Loan sau các nỗ lực bảo vệ những vùng lãnh thổ ở Biển Đông bao hàm đặc khu kinh tế hàng hải rộng 200 dặm. Các hoài bão khác của Trung Quốc được ông O'Rouke chỉ ra bao gồm lấn át tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương và khẳng định vị thế của Trung Quốc là một cường quốc lớn trên thế giới.

Trung Quốc chỉ có thể đạt được một vài mục tiêu này nếu phát triển hải quân nước xanh có khả năng hoạt động trên toàn thế giới. Mỹ hiện nay là hải quân duy nhất có năng lực này. Trung Quốc và Nga vẫn còn hạn chế về hoạt động trên các vùng lãnh hải gần đường bờ biển của mình. Đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc đầu tư thêm các nguồn lực vào hải quân hơn bất kỳ nhánh quân sự nào khác.

Chuyên gia O'Rourke viết: "Mặc dù nỗ lực hiện đại hoá hải quân của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể sức mạnh hải quân của nước này trong những năm gần đây, song các nhà quan sát cho rằng hải quân Trung Quốc hiện này còn có những hạn chế hay yếu kém trong một số lĩnh vực bao gồm các hoạt động phối hợp với những các bộ phận khác trong quân sự, chiến tranh chống tầu ngầm, sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về một số linh kiện tàu và nhắm mục tiêu tầm xa."

Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào phát triển hải quân song vẫn thua kém Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc đã chế tạo thành công tàu sân bay Liaoning song dựa vào mẫu thiết kế của Liên Xô cũ từ thập niên 80. Trong khi đó, Mỹ đang phát triển một thế hệ tàu sân bay mới như USS Gerald Ford trị giá 13 tỉ USD.

Quyền tự do đi trên biển

Trung Quốc cũng thường xuyên phản đối các hoạt động diễn tập hải quân mà Mỹ tiến hành theo học thuyết chủ nghĩa quốc tế được biết đến là "bảo vệ quyền tự do đi trên biển”, nơi các tàu của Mỹ được chạy trên các vùng lãnh hải mà luật pháp quốc tế cho phép. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối điều này.

Vào năm 2016, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố EU có thể cắt cử các tàu tuần tra đến Biển Đông trong khuôn khổ của luật hàng hải quốc tế.

Ông Michael Paul, một chuyên gia cấp cao về an ninh quốc tế thuộc Viện những Vấn đề An ninh và Quốc tế Đức nhận định cuộc tập trận chung lần đầu tiên trên biển Baltic giữa Trung Quốc và Nga là nhằm chứng tỏ khả năng của phát triển một hạm đội có năng lực xứng tầm quốc tế của Trung Quốc.

Ông Paul nói: "Việc phát triển một cách hoà bình đang ngày càng trở nên quân sự hoá hơn và điều này gây ra mối quan ngại quốc tế khi tham vọng của Trung Quốc lớn hơn."

Điều đáng chú ý là Trung Quốc hiện nay đang vận dụng chính luật quốc tế mà nước này phản đối ở Biển Đông để đưa tàu hải quân vào Biển Baltic.

Tham vọng "phủ" hải quân khắp toàn cầu của Trung Quốc

Mở rộng hải quân cũng là một phần mở rộng các mục tiêu đối ngoại của Bắc Kinh.

Trong một báo cáo do Trung tâm An ninh Mỹ Mới công bố, nguyên Phó Đô đốc người Nhật Yoji Koda cho biết Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) tăng cường hoạt động ngoài những khu vực như Hoàng Hải và Biển Đông.

Ông Koda nói những hoạt động này có thể cho chúng ta thấy phần nào về chiến lược triển khai mới và các khái niệm hoạt động cũng như học thuyết chủ nghĩa hải quân được sửa đổi của PLAN."

Kể từ năm 2008, Trung Quốc đã tham gia các hoạt động chống cướp biển tại Vùng Vịnh Aden. Vào năm 2015, nước này đã tham gia các hoạt động diễn tập quân sự với Nga ở Biển Địa Trung Hải và Biển Đen. Các hạm đội tàu hải quân của Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương, Trung Thái Bình Dường và ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ. Trung Quốc đã xây dựng cơ sở ở đất nước nhỏ bé Djibouti thuộc Đông Phi và các phương tiện truyền thông Ấn Độ gần đây đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch đặt các chiến hạm ở cảng Gwadar ở Pakistan./.