Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 dành cho tập thể được trao cho tập thể nữ giảng viên bộ môn Công nghệ môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với 2 đề tài nghiên cứu đáng chú ý: "Xử lý asen trong nước ngầm" và "Tận dụng bùn thải trong sản xuất vật liệu xây dựng". Đây là những đề tài đang được thử nghiệm trong thực tế.

tap the nha khoa hoc nu nhan giai kovalevskaia nam 2018
Các giảng viên nữ Bộ môn Công nghệ môi trường hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm.

Nhiễm Asen trong nước ngầm đang trở thành một vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Từ lâu, các nhà khoa học nữ ở bộ môn Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quan tâm tìm hiểu vấn đề này.

Sau một thời gian tập trung nghiên cứu, tập thể lao động nữ tại đây đã tìm ra lời giải “Chế tạo vật liệu xử lý Asen trong nước”. Đề tài được nhận được sự quan tâm của giới khoa học, nhất là các nhà nghiên cứu môi trường bởi tính thời sự của nó và đang được nghiên cứu thử nghiệm tại Hà Nội.

Cô Phạm Thị Thúy, Phó trưởng Bộ môn Công nghệ môi trường cho biết: “Do tính hiệu quả của nghiên cứu, nhóm đã vận động được nguồn lực để thử nghiệm cho một số hộ dân tại Hà Nội.

Đề tài xử lý Asen trong nước ngầm trên địa bàn Hà Nội đang được áp dụng thí điểm tại 2 trường mầm non và 1 trạm y tế. chúng tôi cũng đã đạt được quỹ thứ 2 để phát triển đề tài này, đó là áp dụng tại 2 nhà trẻ khác ở vùng nước nhiệm asen nặng. Được áp dụng thêm 20 hộ gia đình tại Hà Nội. Chúng tôi đã làm những thiết bị xử lý nước nhỏ gọn, giá thành rẻ, để có thể phục vụ cho cộng đồng và có thể áp dụng trong thực tế”.

Theo các giảng viên nữ Bộ môn công nghệ môi trường, có 2 hướng nghiên cứu chính được các cô triển khai gồm: Công nghệ xử lý và tận dụng chất thải; phân tích và đánh giá chất lượng môi trường. Nhiều đề tài được áp dụng thử nghiệm vào thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu gặp nhiều khó khăn và không phải nghiên cứu nào cũng thành công.

Chia sẻ về những trăn trở và khó khăn trong mỗi đề tài nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Thu Hà, Chủ nhiệm Bộ môn công nghệ môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên cho biết: “Nghiên cứu thực địa không phải cứ nghiên cứu là thành công, có những thí nghiệm làm đi làm lại, thâm chí phải làm đến 10 lần cũng chưa đạt điều mình mong muốn. Bởi là một nhà môi trường, do vậy khi lựa chọn các giải pháp thì không chỉ quan tâm đến kinh tế mà phải lựa chọn giải pháp có đảm bảo công nghệ xanh, kỹ thuật tạo ra chất thải thứ cấp ít nhất hay không, còn nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh kinh tế thì rất dễ. Trong nghiên cứu, khi phải quan tâm đến cả khía cạnh kinh tế và môi trường và khía cạnh pháp lý thì lúc đó phải lựa chọn cẩn thận hơn”.

tap the nha khoa hoc nu nhan giai kovalevskaia nam 2018
Bộ môn công nghệ môi trường là đơn vị đầu tiên của cả nước đào tạo về Môi trường, góp phần đào tạo, đóng góp nguồn nhân lực trình độ cao cho Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường.

Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng khoa Môi trường, trường đại học Khoa học tự nhiên, thời gian qua, Bộ môn Công nghệ môi trường cũng luôn là đơn vị dẫn đầu về công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên. Các giảng viên nữ của bộ môn Công nghệ môi trường đã hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu và đạt giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ. Trong 10 năm, các giảng viên nữ cũng đã hướng dẫn thành công 05 tiến sĩ, 300 thạc sĩ và 400 sinh viên.Bộ môn công nghệ môi trường là đơn vị đầu tiên của cả nước đào tạo về Môi trường, góp phần đào tạo, đóng góp nguồn nhân lực trình độ cao cho Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Khải đánh giá: “Tôi cảm thấy rất vui vì các cán bộ nữ trong khoa nỗ lực, đóng góp thành tích cho khoa. Đặc biệt, các cán bộ nữ bộ môn công nghệ môi trường, ngoài vệc chăm lo gia đình đã dành nhều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ kế cận cũng như sinh viên, lực lượng cán bộ khoa học cho ngành môi trường cả nước, thành tích rất trân trọng”.

Với các cán bộ nữ, việc vừa đảm đương chu toàn việc nhà, vừa hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn đã khó, với các nhà khoa học nữ còn khó hơn rất nhiều. Các nữ giảng viên, nhà khoa học thuộc bộ môn Công nghệ môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên xứng đáng nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 cho những sáng tạo không ngừng nghỉ đó./.