tao su dong thuan de khoi suc dan
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, 100% các hộ dân ở xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập thay thế giống chè cũ bằng các giống chè cành.

Những ngày đầu tháng 7 nắng như đổ lửa, nhưng khi đến xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) chúng tôi được hòa mình vào màu xanh mướt mát của những vườn cây ăn quả, những đồi chè xanh non trải dài ngút mắt. Con đường bê tông phẳng phiu được trải rộng từ trung tâm xóm tới các nương chè, khu ruộng canh tác sản xuất tập trung… Nhìn vào bức tranh ấy chúng tôi đã thấy sự ấm no của một làng quê thời kỳ đổi mới. ng Đặng Văn Sử, Bí thư Chi bộ thông tin: Trên địa bàn xóm có hàng chục hộ có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ trồng chè như nhà ông Huỳnh Tuấn Nghĩa, ông Lê Huy Quang, bà Nguyễn Thị Hoa…

Qua tìm hiểu tại xóm Cà Phê 1, chúng tôi nhận thấy, mọi công việc của xóm đều được bàn bạc công khai tạo sự thống nhất cao mới triển khai thực hiện. Thành công nhất là cấp ủy, các tổ chức đoàn thể của xóm đã tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất theo quy trình khoa học. Nếu như trước đây các hộ phun thuốc bảo vệ thực vật vô lối, không có quy trình, bao bì thì vứt bừa bãi trên các bãi chè, đường đi thì nay đã được thu gom để vào đúng nơi quy định. Đến nay, gần 100% số hộ đã đưa các giống chè mới vào sản xuất thay thế gần hết số giống chè cũ đem hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, xóm có trên 50ha diện tích trồng chè thì có tới 48ha là giống chè cành. Trong đó, có 34ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap có năng suất, chất lượng cao và được xem là điển hình trong xã. Nếu như 5 năm trước, năng suất chè búp tươi đạt 70-80 tấn/ha, thì hiện nay đạt trung bình 110 tấn/ha/năm. Giá bán chè búp khô trung bình từ 170.000 đến 250.000 đồng/kg tùy theo mùa vụ. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Minh Lập đạt 30 triệu đồng/người/năm thì xóm Cà Phê 1 đạt 40 triệu đồng/người/năm (ở mức cao nhất của xã). Cũng nhờ thực hiện tốt QCDC, xóm đã huy động được hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động của người dân trong xóm để xây dựng các công trình phúc lợi như: Nhà văn hóa, quy hoạch lại nghĩa trang, làm đường bê tông...

Tìm hiểu thêm ở nhiều địa phương khác của huyện Đồng Hỷ mới thấy, việc thực hiện QCDC được mở rộng nhờ tăng cường tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Hai năm qua, toàn huyện đã tổ chức được 51 cuộc đối thoại từ huyện đến xã. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, cấp huyện đã tổ chức 3 cuộc đối thoại với nhân dân. Việc tổ chức đối thoại ở các xã, thị trấn cũng có nhiều đổi mới. Điển hình như người dân xã Hợp Tiến bức xúc về việc giao khoán sản lượng trồng rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức hội nghị đối thoại, mời công ty lâm nghiệp về trực tiếp trao đổi với người dân. Hay như xã Hóa Thượng, hiện đang là trọng điểm quy hoạch khu trung tâm hành chính mới của huyện đã tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại với nhân dân. Địa phương này cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại định kỳ với các xóm trên tất cả các lĩnh vực từ tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ xã đối với nhân dân đến các chế độ, chính sách triển khai trên địa bàn như: Vay vốn, chính sách bảo hiểm… Thông qua các cuộc đối thoại những vấn đề nhân dân còn băn khoăn, bức xúc, thắc mắc đã được cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trực tiếp lắng nghe, tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo xử lý, giải quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay tại cơ sở.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, 100% các xã, thị trấn đã ban hành, bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa chính quyền với đoàn thể nhân dân, quy chế tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; quy trình, trình tự các bước công tác giải phóng mặt bằng công khai trên trang thông tin điện tử, niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính để dân biết thực hiện và giám sát. Đặc biệt, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ duy trì nghiêm túc định kỳ nghe ý kiến đóng góp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để đề ra các chương trình, kế hoạch phù hợp với địa phương. Thực thi vai trò giám sát của nhân dân, với trách nhiệm Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở, MTTQ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong tập huấn nghiệp vụ và kiện toàn hoạt động của ban chỉ đạo, ban thanh tra nhân dân… Từ năm 2011 đến nay, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng của các xã, thị trấn đã tổ chức gần 1.500 cuộc giám sát, tiếp nhận trên 200 vụ việc kiến nghị giải quyết. Cũng nhờ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ năm 2011 đến nay, gần 2.000 hộ, 5 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tự nguyện hiến trên 300 nghìn m2 đất để thực hiện các công trình phúc lợi.

Để thực hiện QCDC ở cơ sở hiệu quả, thiết thực hơn, Ban Dân vận sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo MTTQ và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện, đặc biệt những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Ban Dân vận huyện Đồng Hỷ khẳng định./.