Triển khai sớm công tác tuyên truyền, hướng nghiệp

Thời gian qua, công tác TSQS luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, BQP, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường tích cực phối hợp tuyên truyền hướng nghiệp TSQS, thực hiện có chất lượng các khâu, các bước trong quy trình tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT, quy định của BQP. Năm 2018, Ban TSQS BQP đã chủ động hướng dẫn, cung cấp tài liệu tuyên truyền, tổ chức kiểm tra công tác sơ tuyển kết hợp với tư vấn hướng nghiệp cho hơn 4.000 học sinh tại nhiều tỉnh, thành phố. Cán bộ Ban TSQS BQP và một số trường tích cực tham gia cùng Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tư vấn, hướng nghiệp tại 17 tỉnh, thành phố, giúp thí sinh có thêm nhiều thông tin, cơ hội lựa chọn ngành, nghề, đăng ký dự tuyển, xét tuyển vào các trường quân đội.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, công tác TSQS năm 2018 không phải không còn những hạn chế. Thực tế những năm qua, công tác tuyên truyền hướng nghiệp về TSQS thường muộn hơn so với các trường ngoài quân đội. Trong khi đó, những thông tin về ngành, nghề đào tạo, đặc biệt là những quyền lợi khi học tập trong các trường quân đội là những nội dung mà xã hội rất quan tâm. Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường cho biết: "Rút kinh nghiệm những năm trước, năm 2019, Ban TSQS BQP đã có hướng dẫn triển khai cho các nhà trường, đơn vị, cơ quan quân sự địa phương chủ động tuyên truyền sớm, với kế hoạch cụ thể, chặt chẽ. Cục Nhà trường cũng phối hợp với các trường xây dựng băng đĩa hình, tài liệu gửi các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp. Theo đó, Cục Nhà trường-cơ quan thường trực Ban TSQS BQP đã phát hành hồ sơ sơ tuyển, tài liệu “Những điều cần biết về TSQS vào đào tạo ĐH, CĐ trong các trường quân đội”, tài liệu “Hỏi-đáp về công tác TSQS vào các trường quân đội” tới hơn 4.890 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn quốc. Đây là các văn bản rất quan trọng, thiết thực để ban TSQS các địa phương, đơn vị triển khai công tác này năm 2019".

tao nhieu co hoi de thi sinh lua chon
Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội giao lưu, tư vấn tuyên truyền hướng nghiệp với học sinh Trường THPT Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (tháng 3-2018). Ảnh: HÀ KIM

Năm nay, công tác tuyên truyền, hướng nghiệp được Ban TSQS BQP tiếp tục đẩy mạnh. Ngay từ đầu tháng 1-2019 đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, hướng nghiệp TSQS; xây dựng phim tài liệu, phóng sự và mở các chuyên mục riêng về tư vấn tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Thư ký và các học viện, trường quân đội đã phối hợp với Bộ GD&ĐT, Báo Tuổi trẻ tham gia tư vấn tuyển sinh tại 17 tỉnh, thành phố với nhiều hoạt động phong phú… Ban TSQS BQP cũng cử cán bộ phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình trong và ngoài quân đội tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp cho thí sinh trên sóng phát thanh, truyền hình và triển khai cho các địa phương phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền nhằm giúp thí sinh, gia đình nắm vững quy chế và những thông tin liên quan đến tuyển sinh vào các trường quân đội.

Bảo đảm số lượng, chất lượng

Theo Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Nhà trường-Trưởng ban Thư ký Ban TSQS BQP: Năm 2019, 18 học viện, nhà trường quân đội được phép tuyển 5.520 chỉ tiêu ĐH, CĐ hệ quân sự. Đối với nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân, năm nay sẽ tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành: Quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học Quân sự; đồng thời tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện tử y sinh, khí tài quang, địa tin học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và tuyển không quá 10% chỉ tiêu của ngành tài chính vào đào tạo tại Học viện Hậu cần.

Theo quy định, khi thí sinh đăng ký sơ tuyển vào đào tạo ĐH, CĐ quân sự, ngoài việc có đủ tiêu chuẩn quy định của BQP, thí sinh phải tự viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ đăng ký sơ tuyển và trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định tại ban TSQS cấp huyện (đối với thanh niên ngoài quân đội) hoặc ban TSQS cấp trung đoàn (đối với quân nhân đang tại ngũ). Do mỗi trường có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, vì vậy, thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 ngay từ khi sơ tuyển. Ban TSQS BQP sẽ phối hợp với các học viện, trường kiểm tra toàn bộ danh sách thí sinh đăng ký sơ tuyển. Trường hợp phát hiện thí sinh nộp từ hai hồ sơ sơ tuyển trở lên sẽ bị loại khỏi danh sách (không được đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự của các trường trong quân đội).

Một trong những điểm lưu ý nữa đối với công tác TSQS đó là các trường quân đội và công an đều chỉ xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Chính vì lẽ đó, thí sinh chỉ làm hồ sơ sơ tuyển vào một trong hai khối trường. Có nghĩa, thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường quân đội.

Tại Hội nghị tổng kết công tác TSQS năm 2018, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng chỉ rõ: Để làm tốt công tác TSQS năm 2019, từng cơ quan, đơn vị và ban TSQS các cấp phải chú trọng bảo đảm được các yêu cầu về số lượng và chất lượng tuyển chọn, lấy chất lượng làm chính, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác và chống tiêu cực. Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ để làm công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho quân nhân và thanh niên, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Cục Nhà trường và các nhà trường toàn quân cần chủ động phối hợp tốt với Bộ GD&ĐT, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền hướng nghiệp TSQS.

Từ những kinh nghiệm và kết quả đạt được của năm trước, Ban TSQS BQP cũng yêu cầu các cấp thực hiện đúng quy trình; xét duyệt hồ sơ chính xác, tuyệt đối không để thí sinh và gia đình lợi dụng làm sai lệch hồ sơ, hoặc do cán bộ làm sai dẫn đến sai sót, thắc mắc, khiếu nại của công dân. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tập huấn; tổ chức khám và kết luận tiêu chuẩn cho thí sinh chặt chẽ, nghiêm túc, hạn chế đến mức thấp nhất số thí sinh không đủ tiêu chuẩn phải loại ra, nhất là đối với những thí sinh đã trúng tuyển nhưng không đủ tiêu chuẩn sức khỏe vào học. Tuyệt đối không để xảy ra sai sót, giữ vững uy tín trong công tác TSQS./.