Tăng dư nợ, mở cơ hội thoát nghèo

UBND tỉnh Gia Lai và Ngân hàng CSXH tỉnh vừa tổ chức hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện tín dụng CSXH đối với đồng bào DTTS” giai đoạn 2007-2017. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai: Qua 10 năm, doanh số cho vay đạt 8.639 tỷ đồng với gần 460.000 lượt hộ vay. Tính đến hết quý I.2018, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2007. Trong 13 chương trình tín dụng chính sách được Ngân hàng CSXH cho vay thì có 12 chương trình có đối tượng được thụ hưởng là hộ đồng bào DTTS với hơn 70.000 hộ vay, chiếm trên 50% số hộ vay, bình quân dư nợ 26,6 triệu đồng/hộ.

tang von vay de dan thoat ngheo day lui nan tin dung den
Nhiều hộ dân DTTS tỉnh Gia Lai vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: L.K

Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai giảm từ 23,7% xuống còn 11,3%. Giai đoạn 2016-2017 giảm từ 19,7% xuống 13,3%. Trong đó, hộ nghèo DTTS giảm từ 40,1% xuống còn 27,7%.

Ông Lê Văn Chí - Giám đốc Ngân hàng CSXH Gia Lai chia sẻ: “Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện đời sống của người dân trong vùng đồng bào DTTS trong 10 năm qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Ngân hàng CSXH đã chủ động tham mưu các cấp, tranh thủ nguồn vốn ưu tiên cho các hộ nghèo, nhất là vùng DTTS, bình quân mỗi năm vốn vay tăng thêm hơn 20%, có hộ được vay vốn từ 2-3 chương trình. Thời gian tới sẽ ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng đồng bào DTTS nhằm đảm bảo 100% hộ nghèo được vay vốn”.

Từ năm 2007 đến nay, vốn tín dụng Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ cho hơn 203.000 hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động; xây dựng gần 10.000 căn nhà hộ nghèo, 29.000 công trình nước sạch, vệ sinh vùng sâu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam bày tỏ ấn tượng với kết quả tín dụng chính sách mà Gia Lai đã đạt được 10 năm qua. So với nhiều địa phương, Gia Lai là điển hình làm tốt cho vay vốn đối với người đồng bào DTTS. Hoạt động đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống và giúp đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh.

“Bà đỡ” của dân nghèo

Chia sẻ tác động tích cực của nguồn vốn Ngân hàng CSXH, ông Rơ Châm Hin - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh nói: “Giữa Hội và Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết vướng mắc để tạo điều kiện cho nguồn vốn vay phát huy hiệu quả cao nhất. Năm 2007, toàn huyện có 35 hộ đạt chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi, đến nay đã có gần 4.000 hộ, trong đó có 360 hộ đạt thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Đến nay, tổng dư nợ vốn ủy thác thông qua Hội ND huyện đạt 79 tỷ đồng”.

Chị Ksor H’Ayết (làng Klăh 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Năm 2013, tôi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 10 triệu đồng đầu tư trồng cà phê, nuôi heo và sau vài năm đã thoát nghèo. Năm 2016, gia đình tôi được tạo điều kiện vay thêm 30 triệu đồng mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định hàng năm hơn 100 triệu đồng, con cái được học hành đầy đủ. Hiện tôi đang làm 1 tuyên truyền viên đi vận động, giúp bà con khác trong làng cách sử dụng vốn hiệu quả để thoát nghèo”.

Tương tự, nông dân Rơ Lan Blao (tổ 6, thị trấn Chư Prông) kể: “Sau khi thoát nghèo, tôi được bầu làm Bí thư Chi đoàn tổ dân phố, hàng tuần thường xuyên đi tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn. Để cho dân tin, tôi luôn đi đầu trong việc gửi tiền tiết kiệm, hàng tháng đều đặn đóng trước vào tổ tiết kiệm 100.000 đồng để dồn tiền trả nợ gốc. Ban đầu, tôi chỉ có 8 sào rẫy, nhờ vay vốn làm ăn giờ đã có hơn 1.000 gốc cà phê, đàn bò 7 con và đang tiếp tục vay vốn mở rộng sản xuất…”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai khẳng định, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH, người dân đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 3-4%. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH cũng góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn, nhất là vùng DTTS./.