Tại Điều 169 của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định Tuổi nghỉ hưu cho người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Trong điều kiện lao động bình thường, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến từ phía người lao động, đại biểu tham dự Hội nghị phản biện xã hội cho Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra chiều 11/9 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 60 tuổi sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho xã hội. Điều này đặc biệt phù hợp với các nhà khoa học nữ, cán bộ có trình độ cao.

tang tuoi nghi huu khong nen cao bang giua cac nganh nghe
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII

Đồng ý với quan điểm trên, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, để có một nhà khoa học giỏi không phải dễ dàng, đòi hỏi cơ quan quản lý, viện nghiên cứu... phải có sự đầu tư, bồi dưỡng và bản thân nhà khoa học phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ trong một quá trình lâu dài.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã đủ “chín” về trình độ, kinh nghiệm thì lại đến tuổi nghỉ hưu nên khó có thể đóng góp hết trình độ, năng lực cho đất nước. Vì vậy, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với những đối tượng này.

Còn việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 và đối với nữ là 60 cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học, tránh “cào bằng” ai cũng tăng.

Bà Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ nêu quan điểm, ở các ngành nghề khác nhau có những đặc thù khác nhau nên không thể cào bằng tăng tuổi nghỉ hưu.

Đứng ở góc độ là một lao động trong ngành nghề thủy sản, bà Trần Thị Hường (Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long) cho rằng, Dự thảo quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 60 tuổi nhưng với công nhân trong ngành nghề thủy sản nếu đứng 8 tiếng/ngày thì không thể làm đến tuổi đó được.

Thực tế, nhiều công nhân trong công ty của bà Trần Thị Hường không thể làm việc đến 55 tuổi mà đến 50 tuổi đã xin nghỉ hưu. Do đó, Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về tuổi nghỉ hưu cho từng ngành nghề./.