Theo đó, các đại biểu cho rằng, việc quy định tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tối thiểu là 35% tổng số đại biểu Quốc hội trong Luật để bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Tán thành với quy định trên, đại biểu (ĐB) Lê Đông Phong (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu có điều kiện thực hiện tỷ lệ ĐB chuyên trách 40% thì càng tốt, bởi theo ĐB, có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Song, ĐB Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) lại lưu ý, ở địa phương, ĐB chuyên trách chủ yếu là trưởng đoàn và phó đoàn, do đó, cần tính toán tăng hợp lý về mặt cơ cấu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ TP. Hồ Chí Minh.
(Ảnh: TH).


Mong muốn có nhiều hơn ĐB Quốc hội chuyên trách để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tuy nhiên, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, chất lượng đại biểu chuyên trách mới là quan trọng. Theo đó, ĐB chuyên trách phải có tiêu chuẩn riêng để đáp ứng được yêu cầu.

Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, tiêu chuẩn ĐB chuyên trách Trung ương ngoài tiêu chuẩn chung phải có tiêu chuẩn riêng như: Bằng cấp, ít nhất phải là chuyên viên cao cấp trở lên, có kinh nghiệm thực tiễn, soạn thảo được các văn bản luật...

“Nếu tăng chuyên trách thì phải giảm bộ máy chuyên viên giúp việc. Hàng năm, cần đánh giá nhiệm vụ cụ thể của ĐB chuyên trách”, ĐB Đỗ Văn Đương đề xuất.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) lại đưa quan điểm, không nên quy định tiêu chuẩn ĐB Quốc hội trong Luật này, vì trùng với Luật Bầu cử. Do đó, chỉ nên quy định về tổ chức, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và cơ cấu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phân tích, về nguyên lý, ĐB Quốc hội là do dân bầu lên, vì vậy, cần xác định nếu làm không khéo sẽ trái với Hiến pháp vì Hiến pháp không đặt vấn đề này. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, tạm thời phân ra hiện nay có 2 loại: ĐB chuyên trách và ĐB không chuyên trách, địa vị pháp lý khác nhau dẫn đến quyền lợi khác nhau. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nên chăng để một chương riêng về ĐBQH, trong đó có mục riêng các đại biểu làm việc toàn phần (ĐB chuyên trách) tại các Ủy ban Quốc hội và quy định rõ nhiệm vụ kèm theo.

Ngoài ra, đa số các ý kiến ĐB đề xuất, chuyển Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội. Theo ĐB Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh), việc thành lập một Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực dân nguyện sẽ góp phần tạo sự gắn kết hơn giữa cử tri với Quốc hội. Ủy ban này sẽ thực hiện các nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, kiến nghị độc lập như các Ủy ban khác của Quốc hội. Vì vậy, sẽ có điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tiếp công dân của Quốc hội và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn vì cho rằng, cơ quan này không thể làm thay nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc tiếp công dân và xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn nữa, trách nhiệm chủ yếu của Ban Dân nguyện là tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý cụ thể các đơn thư khiếu nại, tố cáo nên tính chất và hoạt động của Ban này rất khó phù hợp với tính chất, hoạt động tập thể của Ủy ban của Quốc hội.../.

Theo Báo điện tử ĐCSVN