Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), tận dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai hoạt động XTTM nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia có hiệu quả và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển xuất khẩu bền vững là mục tiêu của ngành Công Thương nói chung và của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói riêng.

Kiên trì tiếp thị sản phẩm

Thực tế hiện nay, khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xu hướng thị trường thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu và yếu về cách thức tiếp cận thị trường, đặc biệt đối với các hình thức XTTM qua môi trường thương mại điện tử; các chia sẻ cũng như cách tiếp cận mới trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Đặc biệt, những chuyển biến về tư duy và hành động của doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh XTTM khai thác thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019 diễn ra ngày 12/4, các chuyên gia cùng chung nhận định, Việt Nam đang có khát vọng phát triển kinh tế lớn lao, gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và cốt lõi là quá trình chuyển đổi số. Với những thay đổi đó, cách nhìn về xuất khẩu cũng như thương mại đang có thay đổi nhận thức sâu sắc. Thay đổi này không đơn thuần là quan điểm mà gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp cũng như cách quản lý của Nhà nước.

tang kim ngach xuat khau mot minh doanh nghiep chu dong la chua du
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2019.

Ông Phạm Tiến Đức, Giám đốc doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm chè của Việt Nam sang thị trường châu Âu cho rằng, sản phẩm chè của Việt Nam cũng như các sản phẩm nông nghiệp thời gian qua đã có ấn tượng xấu đối với người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè rất khó tiếp cận được các thị trường mới.

“Sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận hữu cơ trong nước, nhưng để tiếp thị sản phẩm đến thị trường châu Âu hay các thị trường khác phải rất lâu mới có thể tiếp cận được. Năm đầu tiên doanh nghiệp gửi mẫu sản phẩm, các doanh nghiệp châu Âu không thèm tiếp, năm thứ hai doanh nghiệp vẫn gửi mẫu sản phẩm nhưng bị từ chối, phải đến năm thứ ba tiếp cận, sản phẩm mới được xem xét và chấp nhận. Từ thực tế này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải hết sức nỗ lực mới có thể tiếp cận và hiểu thị trường xuất khẩu”, ông Đức chia sẻ.

Ông Hà Hữu Thông, Giám đốc Công ty XNK Thủ công mỹ nghệ Nam Đông cho biết, công tác xúc tiến thương mại đã được doanh nghiệp quan tâm và tìm hiểu từ rất sớm. Doanh nghiệp đã đồng hành với Viettrade từ năm 2006 đưa sản phẩm sang thị trường châu Âu đã đạt được những hiệu quả bước đầu.

Từ năm 2006, doanh nghiệp đã tiếp cận thị trường Mỹ và nhận thấy dòng sản phẩm của Việt Nam tại thị trường này rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đến năm 2011, khi doanh nghiệp quay lại thị trường Mỹ đã thấy sản phẩm Việt xuất hiện tại đây rất nhiều. Tìm hiểu được biết, trước đây thị trường Mỹ phần lớn mua sản phẩm của Trung Quốc nhưng sau đó đã thay thế nhiều bằng sản phẩm của Việt Nam.

“Thông điệp và kinh nghiệm của doanh nghiệp rút ra khi tiếp cận thị trường khó tính là muốn bán được hàng thì phải tìm hiểu thị trường và khách hàng, bởi vì yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu và Mỹ rất khắt khe, vừa muốn mua hàng rẻ nhưng phải bảo vệ danh tiếng”, ông Thông cho biết.

Đề cao vai trò của các Hiệp hội

Lý giải những vướng mắc mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang gặp phải, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất – Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất khẩu là hoạt động mà nhiều doanh nghiệp tham gia. Trong hoạt động này, các doanh nghiệp, Hiệp hội và cơ quan nhà nước đều có sự gắn bó. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động và mỗi doanh nghiệp đều có một cách đi, cách tiếp cận đến từng thị trường.

“Có những doanh nghiệp dù quy mô rất nhỏ nhưng đã len lỏi, tìm cách bán nông sản vào thị trường châu Âu, châu Phi. Tôi đánh giá cao sự chủ động và đó là yếu tố then chốt để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để tăng trưởng tốt và hướng đến tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp phải dựa trên giá trị cốt lõi. Các Hiệp hội sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt để các doanh nghiệp làm theo. Từ góc độ nhà nước, vai trò thiết lập môi trường, cơ chế chính sách xuất khẩu cho doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết”, ông Hải nói.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), dù doanh nghiệp đã rất chủ động, tuy nhiên xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế, đa số quy mô của doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tự bươn chải, luồn lách vào các phân khúc thị trường ngách nên đây là việc quá sức đối với họ.

Vì vậy, vai trò của Cục Xúc tiến thương mại - Cơ quan quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại hiệu quả nhất, góp phần giảm sức ép, chi phí cũng như nguồn lực cho doanh nghiệp. Cục Xúc tiến thương mại ý thức được trong bối cảnh mới, thế giới có nhiều thay đổi phải duy trì, tạo ra kim ngạch xuất khẩu bền vững, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu, tham gia nhiều FTA mới, nếu hoạt động XTTM không có sự kết nối với các tổ chức quốc tế thì sẽ hoàn toàn kém hiệu qủa. Chính vì thế, Cục XTTM định hướng sẽ phải đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức XTTM quốc tế cũng như các đối tác thương mại. Cục cũng kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM và xúc tiến xuất khẩu. Thời gian tới, Cục Xuất – Nhập khẩu và Cục XTTM sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu”, ông Phú khẳng định./.