Sáng nay (20/8), tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ Ba các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017, diễn ra 10 cuộc hội nghị, hội thảo.

tang cuong tinh minh bach trong dam phan cac hiep dinh thuong mai

Hội thảo về tăng cường tính minh bạch và sự tham gia trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại

Trong đó, trọng tâm là các cuộc họp của Ủy ban Thương mại và đầu tư APEC bàn về tăng cường tính minh bạch và sự tham gia trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại và các cuộc họp của Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC).

Hội thảo về tăng cường tính minh bạch và sự tham gia trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại có 49 đại biểu đại diện cho các nền kinh tế thành viên APEC tham dự. Hội thảo tập trung chủ yếu vào việc các nền kinh tế khác nhau sẽ tiến hành việc đàm phán về các thỏa thuận thương mại như thế nào và cách thức thông tin về việc đàm phán đó với cộng đồng dân cư.

Đây là cơ hội để các chính phủ trực tiếp chịu trách nhiệm về các đối thoại thương mại có thể giao tiếp và thông tin tình hình thương mại với xã hội. Một số đại biểu tham dự cho rằng, những tranh luận tại hội thảo không chỉ nêu ra các kinh nghiệm trong đàm phán mà còn đặt ra nhiều vấn đề phát sinh từ thực tế cần giải quyết.

Bà Caroline Ibanez Kollmann, chuyên gia kinh tế đến từ đoàn đại biểu Chilê cho biết: Các chính sách thương mại và kinh nghiệm của một vài quốc gia sẽ được đặc biệt quan tâm. Thương mại càng ngày càng gắn với các mối quan hệ của từng người và sự phát triển của từng quốc gia. Vì vậy, khi ban hành những chính sách thương mại, phải có những điều chỉnh thích hợp với đời sống người dân.

tang cuong tinh minh bach trong dam phan cac hiep dinh thuong mai

Bà Caroline Ibanez Kollmann

Hội thảo cũng góp phần giải quyết một số tranh luận giữa các nền kinh tế thành viên trong thời gian gần đây liên quan đến đàm phán về thương mại. Các đại biểu đưa ra nhiều thông tin hữu ích, khá xác đáng, giúp các nền kinh tế hiểu nhau hơn, từ đó có thể đàm phán các hiêp định thương mại hiệu quả hơn. Nhiều đại biểu cho rằng, các nền kinh tế thành viên phải thúc đẩy thực thi chính sách thương mại trong đời sống và các đàm phán cần hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân.

Nhận định về nền kinh tế Việt Nam với việc đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại trong thời gian gần đây, ông Felipe Lopeandia Wielandt, Trưởng phòng Hợp tác TPP, Bộ Ngoại giao Chile, chủ trì hội thảo nhận định: Việt Nam là một nền kinh tế đã hòa nhập hoàn toàn với thương mại thế giới và có rất nhiều kinh nghiệm trong đàm phán thương mại trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm đàm phán thương mại của mình để thông tin cho xã hội dân sự và những gì mà các bạn mang đến hội thảo này sẽ rất là có ý nghĩa và đáng quý.

Những kinh nghiệm này không chỉ đến từ Việt Nam mà đến từ tất cả các nền kinh tế của APEC, và đây là cơ hội để các nền kinh tế thành viên học hỏi lẫn nhau, đồng thời áp dụng kinh nghiệm của các nước khác vào việc đàm phán thương mại của chính mình, ông Felipe Lopeandia Wielandt lưu ý.

tang cuong tinh minh bach trong dam phan cac hiep dinh thuong mai

Ông Felipe Lopeandia Wielandt

Cũng trong sáng nay, Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn – SCSC tiếp tục Hội thảo lần thứ 10 về Chia sẻ Thực hành tốt trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (GRP).

Hơn 100 đại biểu đại diện các nền kinh tế thành viên APEC và các nền kinh tế không thành viên, cùng các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực cải cách chính sách quản lý của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Á - Âu (OECD), Ủy ban Kinh tế (EC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Ngân hàng Phát triển Châu Á, Chính phủ Mỹ, Canada, Malaysia, Philippin và các cơ quan hữu quan khác tham gia.

Hội thảo bàn đến việc mở rộng áp dụng văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ nhằm giảm thiểu các loại hàng rào trong thương mại và khuyến khich đầu tư, tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy việc trao đổi về các thách thức và thực hành tốt trong việc tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho quy trình thông báo và lấy ý kiến rộng rãi đối với các văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao nhận thức về các nghĩa vụ của WTO/TBT liên quan đến việc thông báo và xác định phương thức tạo thuận lợi cho việc thực thi nghĩa vụ của các nền kinh tế thành viên APEC./.