Nhận thức rõ chất thải y tế có thể tác động xấu tới con người và tất cả các khía cạnh của môi trường, nhất là đất, nước, không khí, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải y tế, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan, phát tán mầm bệnh và các dịch bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và ra môi trường. Bác sỹ Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Phú, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi rất chú trọng việc thu gom theo đúng quy trình, hướng dẫn của ngành môi trường, để đảm bảo chất thải nguy hại không phát tán ra bên ngoài".

tang cuong quan ly rac thai y te da ps
Nhà lưu giữ chất thải y tế, Bệnh viện A Thái Nguyên.

Còn đối với Bệnh viện A Thái Nguyên, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện phát sinh từ 1.000 đến 1.200kg rác thải sinh hoạt và từ 100 đến 110kg rác thải y tế gồm: Chất thải sắc nhọn, chất thải giải phẫu, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn. Thời gian vừa qua, Bệnh viện A đã chú trọng thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phân loại, tập kết và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Điều dưỡng Chuyên khoa I Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn, Bệnh viện A Thái Nguyên cho hay: "Về nguyên tắc phải phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh, tại thời điểm phát sinh. Chất thải được phân loại ngay tại nguồn, được Công ty Môi trường đô thị, hộ lý của các khoa, phòng vận chuyển hàng ngày, tập kết xuống nhà lưu giữ chung rác thải của Bệnh viện. Sau đó, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bàn giao toàn bộ số chất thải này cho Công ty có đủ hồ sơ năng lực để xử lý theo quy định".

Đối với Bệnh viện Đa khoa Yên Bình, thị xã Phổ Yên, quy trình xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải y tế được thực hiện theo quy trình khép kín. Tại mỗi khoa đều được đặt các thùng rác và túi đựng chất thải có mã màu theo quy định cho từng loại và có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí cần thiết. Chất thải sau khi thu gom và chuyển đến nơi tập kết được bộ phận xử lý môi trường phân loại lần 2.

tang cuong quan ly rac thai y te da ps
Tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bình, chất thải sau khi thu gom và chuyển đến nơi tập kết được bộ phận xử lý môi trường phân loại lần 2

Trao đổi về vấn đề này, Bác sỹ Chuyên khoa II Lê Xuân Thủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Bình thông tin: "Ngay từ đầu, Bệnh viện đã tổ chức đào tạo, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và người lao động; từng đợt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng được tư vấn, hướng dẫn việc xử lý, thu gom rác thải".

Việc quản lý, xử lý tốt chất thải y tế sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tránh lây lan nguồn bệnh ra cộng đồng. Do vậy, thời gian tới, các cơ sở y tế cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quản lý rác thải y tế, đặc biệt có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ đối với những đơn vị chuyên xử lý rác thải y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế./.