Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin, chiều 27/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Camphuchia.

tang cuong quan he lang gieng hop tac toan dien viet nam campuchia

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 27-28/9 (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được duy trì và củng cố đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Việt Nam và Campuchia có truyền thống đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, luôn kề vai, sát cánh bên nhau, nhất là trong lúc khó khăn hoạn nạn, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Lãnh đạo và nhân Việt Nam mãi mãi biết ơn về sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của cố Quốc vương Norodom Shihanouk, các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia đã dành cho nhân dân Việt Nam.

Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán là coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố và tăng cường đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Campuchia và Đảng Nhân dân Campuchia. Việt Nam mong muốn cùng Campuchia đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển bền vững theo phương châm mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Với phương châm ấy, những năm qua, mối quan hệ hợp tác toàn diện đã được chú trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 3,37 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2014. Từ đầu năm nay, Việt Nam đã có 11 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn là 211 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư của Việt Nam tại Campuchia là 172 dự án. Việt Nam là nước đứng thứ 5 trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Camphuchia. Camphuchia có 12 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 49 trên tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Các dự án của Việt Nam được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực trọng yếu, nhiều dự án lớn có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Campuchia như nông, lâm nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông….

Tuy vậy, trong thời gian gần đây, kim ngạch thương mại song phương gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác, cơ sở hạ tầng biên giới chưa đồng bộ. Việc Chính phủ Campuchia thay đổi chủ trương cho thuê đất tô nhượng kinh tế từ 90 năm xuống còn 50 năm đã và đang tác động đến lợi ích của doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực trồng cây cao su.

Hiện, hai bên đang phối hợp xây dựng nội dung kết nối 2 nền kinh tế đã được nhất trí tại Kì họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa và Khoa học kỹ thuật tại Phnom Penh.

Giữa Quốc hội Việt Nam và cơ quan lập pháp Campuchia đã có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Trong thời gian gần đây, mối quan hệ này đã được lãnh đạo hai Quốc hội đưa lên một tầm cao mới thông qua việc kí kết văn bản Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Campuchia.

Hai bên cũng đã thực hiện tốt các chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội, các chuyến thăm làm việc của các cơ quan chuyên môn và của hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị. Quốc hội hai nước tổ chức các hội thảo và hội nghị quốc tế; thành lập nhóm nghị sĩ hữu nghị song phương; hợp tác trong lĩnh vực bồi dưỡng đại biểu Quốc hội cùng nhiều hoạt động khác.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam lần này nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia; Thực hiện cam kết về trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao của Quốc hội cũng như các hợp tác khác theo tinh thần Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Quốc hội; Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan lập pháp của Việt Nam với cơ quan lập pháp hai nước; Góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Campuchia trên các lĩnh vực cụ thể về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục./.