Sáng 11/5, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Liên minh Nghị viện thế giới và Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức.

tang cuong doan ket phoi hop de gin giu hanh tinh xanh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury, Chủ tịch Quốc hội và hơn 200 đại biểu Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng đại diện của các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kết quả của Hội nghị sẽ được chuyển tới Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) để chia sẻ với các thành viên IPU, trong đó có đề xuất các giải pháp và hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, đặc biệt là những Quốc gia ven biển, Quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của thành phố.

tang cuong doan ket phoi hop de gin giu hanh tinh xanh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với đại biểu dự Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Trái đất là ngôi nhà chung, nên cần phải tăng cường sự đoàn kết và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Đó chính là mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đã thống nhất thông qua tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.

“Nhận thức được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Quốc hội Việt Nam đã nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của Hội nghị chuyên đề lần này, đó là: thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào Mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp và huy động nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam phối hợp với IPU tổ chức Lễ Công bố Bộ công cụ tiêu chí cho các nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một văn bản quan trọng, cung cấp thông tin về các Mục tiêu phát triển bền vững, khuôn khổ hành động, sự tham gia của các Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện các SDG.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với trách nhiệm, tâm huyết của Quốc hội Việt Nam, sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến quý báu của các Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các nghị sỹ và các diễn giả, chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trong nước và quốc tế, Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” sẽ thành công tốt đẹp.

tang cuong doan ket phoi hop de gin giu hanh tinh xanh
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury nhấn mạnh, khoảng 80% thiên tai xảy ra trên toàn thế giới là do biến đổi khí hậu.

“Trong 45 năm qua, 88% người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên thế giới là nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với sự thiệt mạng của khoảng 2 triệu người. Nếu nhìn vào kinh tế, tổng thiệt hại khoảng 1.000 tỷ. Điều đó cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn thế giới. Sự kết nối rất chặt chẽ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác hại của thiên tai có tác động trên khắp thế giới về tăng trưởng, giảm nghèo, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ”, ông Saber Chowdhury nêu rõ.

Ông Saber Chowdhury cho rằng, các nước cần phải đưa ra các mục tiêu chiến lược cho phụ nữ và trẻ em, những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất để triển khai nhằm giải thiểu thiệt hại. Vì vậy, các nghị viện đóng vai trò rất quan trọng vì trong tiến trình thực hiện hành pháp và lập pháp, đặc biệt là các mục tiêu thúc đẩy các vấn đề toàn cầu.

Ông Saber Chowdhury nhấn mạnh, có 5 trụ cột để phát triển bền vững trong lĩnh vực này đó là: con người; hòa bình; sự thịnh vượng; kết nối hợp tác giữa các nghị viện, chính phủ và cuối cùng là yếu tố phát triển về kinh tế của mỗi quốc gia.

tang cuong doan ket phoi hop de gin giu hanh tinh xanh
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân

Phát biểu tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Hội nghị IPU chuyên đề “Ứng phó biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” với sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo Quốc hội, các nhà lập pháp là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với tất cả các quốc gia, dân tộc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức tại TPHCM là cơ hội để thành phố mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đối khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.

Với sự quyết tâm cao, trách nhiệm và hành động của các nhà lập pháp, nhiều ý tưởng, đề xuất từ Hội nghị sẽ thành hiện thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của nghị viện trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu./.