Buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vào nội địa đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô lớn, diễn ra từ hải đảo đến đất liền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn... tác động xấu đến kinh tế - xã hội. Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại sẽ có chiều hướng gia tăng. Do đó, cần tăng cường công tác đấu tranh, bám sát địa bàn, chủ động phát hiện các đối tượng buôn.

tang cuong dau tranh chong buon lau nhung thang cuoi nam
Ảnh minh họa.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đã và đang diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển và hàng không. Tính đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã phát hiện 172 nghìn vụ việc buôn lậu, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, truy thu khoảng 13 nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Tại biên giới phía Bắc, hàng nhập lậu là đồ điện tử, gia dụng… Còn tại biên giới phía Tây Nam thì chủ yếu là đường, thuốc lá. Riêng đường hàng không, hàng buôn lậu phần lớn là ma túy, các sản phẩm của động vật quý hiếm, vũ khí và một số văn hóa phẩm đồi trụy khác. Trên đường biển, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu xăng dầu, khoáng sản…

Điển hình, ngày 20/09 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 xe ô tô tại thành phố Lạng Sơn đang vận chuyển 10 tấn hàng hóa nhập từ nước ngoài bao gồm đồng hồ, quần áo, vải, túi xách… không có hóa đơn, chứng từ theo quy định; Ngày 9/10, Công an huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) phát hiện bắt giữ một vụ vận chuyển 67 kg pháo nổ trái phép từ Cao Bằng về Thái Nguyên tiêu thụ; Ngày 12/10, Công an Hoài Đức, Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ 4 thùng carton chứa hơn 100 kg pháo nổ từ Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ….

Một trong những mặt hàng buôn lậu diễn biến phức tạp nhất là thuốc lá, thời gian qua các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 4.900 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 26 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết: “Từ đầu năm đến nay tình hình buôn lậu thuốc lá đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp và manh động. Nguyên nhân là do các bộ luật còn nhiều kẽ hở, còn chồng chéo. Các chế tài xử các đối tượng buôn lậu theo hướng nhẹ đi, hướng xử phạt nhẹ đi khoảng 4,5 lần. Việc xử lý là rất khó, đi ngược với xu thế của Chính phủ là đang tăng cường các chế tài, tăng cường các biện pháp, tăng cường tính răn đe”.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng khởi tố 542 vụ trong tổng số hàng nghìn vụ buôn lậu, liên quan hơn 700 đối tượng, chiếm chưa đến 10% số vụ vi phạm bị phát hiện. Các vụ buôn lậu tổ chức đường dây khép kín, tinh vi, chủ hàng không xuất hiện. Trong khi đó, theo quy định Luật Thương mại năm 2013, có mặt hàng được coi là hàng cấm thì Luật Đầu tư 2014 lại được coi là hàng kinh doanh có điều kiện nên các vụ việc chưa thể xử lý dứt điểm.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, dịp cuối năm là thời điểm hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, buôn lậu, xây dựng kế hoạch, xác định rõ tuyến buôn lậu và mặt hàng buôn lậu.

Trung tướng Đồng Đại Lộc nói: “Trước, trong và sau Tết chúng tôi sẽ tổ chức các đợt cao điểm, tấn công chống các loại tội phạm kể cả hình sự, kinh tế, ma túy và buôn lậu. Từ giờ đến cuối tháng 11, Tổng cục cảnh sát sẽ có lệnh tổ chức tấn công tội phạm nói chung trong đó có tội phạm buôn lậu. Trước hết chúng tôi làm thật tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, làm tốt công tác điều tra cơ bản đặc biệt là đi sâu nắm các đường dây, các tổ chức và sau đó làm các chuyên án đấu tranh, theo hướng sẽ đi vào các địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm và đặc biệt là mặt hàng trọng điểm, trong đó có xăng dầu, thuốc lá…”.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý tại các cửa khẩu, giao trách nhiệm đến từng đồn biên phòng, đồng thời huy động lực lượng dân quân tự vệ địa phương cùng tuần tra để khép chặt biên giới. Tăng cường biện pháp nghiệp vụ cơ bản để nắm đường dây, ổ nhóm, chủ đầu nậu và mở các chuyên án, xử lý nghiêm các vụ đã bị bắt giữ.

Ông Đàm Thanh Thế nói: “Để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ nay đến cuối năm văn phòng thường trực sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia có kế hoạch tổng thể để huy động các lực lượng từ trung ương đến địa phương nhận diện đấu tranh xử lý, để tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được ngăn chặn và đẩy lùi không ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong dịp tết và trong thời gian tiếp theo”.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân, chủ động tham gia phát hiện, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại./.