tan hoa xa tai sang tao san xuat tin tuc voi tri tue nhan tao
(Nguồn: Tân Hoa Xã)

Chủ tịch Tân Hoa Xã Cai Mingzhao cho biết sẽ xây dựng một "hệ thống sản xuất tin tức mới dựa trên công nghệ thông tin và có sự hợp tác giữa con người và máy tính thông minh.” Cơ quan này cũng đã giới thiệu nền tảng có tên gọi "Media Brain" để tích hợp điện toán đám mây, kết nối vạn vật (Internet of Things), AI và nhiều công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất tin tức, với các ứng dụng phục vụ từ “tìm kiếm khách hàng tiềm năng, thu thập, chỉnh sửa, phân phối tin tức và cuối cùng phân tích phản hồi.

" Thông báo của Tân Hoa Xã là diễn biến mới nhất đáng chú ý trong xu hướng bùng nổ đầu tư cho AI đang diễn ra ở Trung Quốc.

Tuần trước, nước này đã công bố kế hoạch xây dựng một công viên phát triển trí tuệ nhân tạo trị giá 2,1 tỷ USD trong năm năm tới như là một phần của nỗ lực hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030.

Làn sóng đầu tư cho AI ở Trung Quốc cũng tạo ra cảm hứng đầu tư với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.

Theo Bloomberg, Google đã cam kết mở một trung tâm nghiên cứu AI tại Bắc Kinh. Bloomberg dẫn lời giáo sư Fei-Fei Li, lãnh đạo trung tâm AI của Google ở Bắc Kinh cho biết: "Đây sẽ là một nhóm nghiên cứu nhỏ tập trung vào việc thúc đẩy nghiên cứu AI cơ bản trong các ấn phẩm, hội nghị học thuật và trao đổi kiến ​​thức."

Microsoft cũng công bố kế hoạch thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu-phát triển (R & D) cho AI ở Đài Loan và thuê 200 nhà nghiên cứu trong năm năm tới với vốn đầu tư khoảng 34 triệu USD.

 Chris Nicholson, cựu biên tập viên của Bloomberg và đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp lĩnh vực AI, Skymind, nói với Digiday rằng: "Chúng tôi thấy rất nhiều sự quan tâm đến AI ở Trung Quốc, và ngành này đang phát triển rất nhanh ở nước này.”

"Bắc Kinh hỗ trợ AI, trong khi Baidu, Alibaba và Tencent đều tham gia vào AI. Mỹ vẫn sở hữu những tài năng AI tốt nhất nhưng Trung Quốc cũng có rất nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu tốt về AI.”

Những chuyển động trong lĩnh vực AI ở Trung Quốc, trong đó có mảng AI truyền thông có thể tác động tới báo chí trên toàn thế giới. Một báo cáo từ Dự án Tin tức số của Viện Reuters về xu hướng truyền thông cho năm 2018 đã làm nổi bật một số tiến bộ mà báo chí AI của Trung Quốc đã thực hiện:

Tổng biên tập của Quartz, Zach Seward, gần đây đã phát biểu trong một hội nghị diễn ra ở Trung Quốc được tổ chức bởi “Gã khổng lồ công nghệ” Tencent. Đáng chú ý, là trước khi ông Seward rời khỏi sân khấu, một chương trình máy tính tự động có tên gọi Dreamwriter đã chuyển trực tiếp một phần bài phát biểu bằng tiếng Anh của ông thành một đoạn văn bản bằng tiếng Trung phát ngay trên sân khấu. Ông Seward đã rất ngỡ ngàng, thích thú về điều này và chia sẻ thông tin và video về Dreamwriter trên trang Twitter cá nhân. Theo Tencent, khoảng 2.500 tin tức về tài chính, công nghệ và thể thao đã được tạo ra bởi Dreamwriter hàng ngày.

Trong khi một số công nghệ đang trở nên bão hòa ở các thị trường phương Tây, thì ở các thị trường phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, chúng lại có nhiều cơ hội tăng trưởng. Việc những “Gã khổng lồ” ở Thung lũng Silicon như Google và Facebook phải đối mặt với những hạn chế ở các thị trường như Trung Quốc, đã tạo ra cơ hội lớn để các công ty công nghệ châu Á điều khiển những ý tưởng mới với tốc độ không ngừng.

Frederic Filloux, cây bút của tờ chuyên trang công nghệ Monday Note, đã chú ý tới Toutiao, một ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp nội dung từ khoảng 4.000 nhà cung cấp tin tức truyền thống cũng như các blogger và nội dung cá nhân khác. Toutiao có khoảng 120 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và thời gian tham gia 74 phút mỗi ngày. Newsfeeds được cập nhật liên tục dựa trên những gì máy học của nó đã học về sở thích, thời gian người dùng dành cho một bài viết, và địa điểm.

Tại Hàn Quốc, cỗ máy tìm kiếm số 1 của nước này Naver cũng đang tìm cách để bổ sung AI cho các dịch vụ di động. Line là một trình tổng hợp tin tức di động khác phổ biến ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Các nhà tổng hợp tin tức như Flipboard và Laserlike48 đã có tiến bộ rất ít ở Mỹ và châu Âu. Nhưng điều đó có thể thay đổi khi Toutiao, dựa vào việc định giá trị giá 22 tỷ USD, đang tìm cách tiến sâu vào các nước phương Tây trong năm nay.

Các công ty Trung Quốc không nhất thiết phải mở rộng trên phạm vi quốc tế thông qua quảng cáo quốc tế, như cây bút Sara Fischer của trang tin tức Axios nhận định. Họ quan tâm đến việc nhắm mục tiêu tới các công dân Trung Quốc, những người di chuyển đến nơi khác nhưng vẫn sử dụng cùng một công nghệ để giữ liên lạc với trong nước.

Cũng có một số lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc có thể tác động tới với báo chí AI. Nina Xiang, đồng sáng lập Mạng lưới Tín dụng Trung Quốc dựa trên trí tuệ nhân tạo, đã tự hỏi về những vấn đề an ninh và riêng tư tiềm ẩn từ những đổi mới của Tân Hoa Xã.

"Media Brain ... sẽ gây ra những lo ngại đáng kể về bảo vệ sự riêng tư cá nhân của dữ liệu, hoặc từ sự thiếu sót của nó. Alibaba và cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc sẽ ​hợp tác để tạo ra một con mắt kỹ thuật số có thể truy cập vào dữ liệu thu thập được từ vô số camera giám sát trên toàn quốc, ước tính tổng cộng nửa tỷ thiết bị trong ba năm tới, các thiết bị IoT, camera gắn trên bảng điều khiển, trạm theo dõi ô nhiễm không khí và các thiết bị có thể đeo. Cho dù mọi người có thể cho phép dữ liệu của họ được sử dụng, hoặc thậm chí biết nó đang được sử dụng, thì điều đó vẫn là một vấn đề,” Xiang viết.



 Bà Xiang đã lấy ví dụ so sánh tương phản của mối quan hệ hợp tác giữa Alibaba-Tân Hoa Xã với mối quan hệ hợp tác giữa các công ty công nghệ với chính quyền ở Mỹ. 

“Quan hệ đối tác này giống như Amazon, Paypal, CBS, News Corp và Fox đều làm việc với các chính quyền tiểu bang và thành phố ở Mỹ để chia sẻ dữ liệu công khai và riêng tư cho mục đích theo dõi các tin tức sự kiện tiềm năng bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào trong thời gian thực trên khắp nước Mỹ.” Nhưng trong khi một số tổ chức Mỹ đang từ từ giới thiệu AI cho các hãng tin tức thì Tân Hoa Xã của Trung Quốc đang làm tất cả mọi việc./.