Số lượng thiết bị IoT (Internet of Things) đang ngày càng tăng mạnh từ tivi, tủ lạnh, máy giặt máy pha cafe cho tới camera an ninh, quần áo tích hợp chip... Những thiết bị này đang hiện diện cả ở các gia đình và văn phòng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật mới.

Báo cáo từ hãng F5 Networks của Mỹ cho thấy, số vụ tấn công vào thiết bị IoT đã tăng tới 280% trong nửa đầu năm 2017 so với sáu tháng trước đó, phần lớn do sự lây lan của mã độc Mirai.

Tin tặc phát tán Mirai trên hàng triệu thiết bị Internet bảo mật kém như camera giám sát, đầu ghi hình... để hình thành mạng lưới thiết bị ma (botnet). Từ đó, chúng có thể tiến hành tấn công từ chối dịch vụ quy mô lớn.

Với sự phổ biến của IoT, các chuyên gia tin rằng các cuộc tấn công DDoS trong tương lai có thể đạt 10 Terabit mỗi giây, đủ sức hạ gục toàn bộ mạng Internet tại bất kỳ quốc gia nào. Để bảo vệ mình, người dùng cần thận trọng hơn trong vấn đề bảo mật các thiết bị thông minh.

tan cong iot tang 280 trong nua dau 2017
Các ứng dụng và thiết bị IoT đang là đích nhắm của hacker. Ảnh: Security Intelligence

Cũng theo F5, có đến 83% số vụ tấn công hiện nay là nhằm vào ứng dụng, do đó, cần gấp rút thay đổi mức độ quan tâm, nhận thức của người dùng về an ninh bảo mật ứng dụng.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trường, Giám đốc Văn phòng đại diện tại Việt Nam của F5 Networks, các ứng dụng của doanh nghiệp chạy trên mạng ngày càng nhiều và đa dạng nhưng phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể bảo vệ an ninh mạng ở mức network.

F5 đã giới thiệu giải pháp tường lửa Web Application Firewalls, có thể cảnh báo những lỗi ứng dụng mà hacker có thể khai thác, đánh cắp thông tin, gây lỗi từ chối dịch vụ hoặc làm thay đổi giao diện của doanh nghiệp, tổ chức.

Web Application Firewalls cũng đã được Gartner đánh giá là một trong những giải pháp tốt nhất về tường lửa cho ứng dụng web.