tam su cua nhung nguoi vao tam dich ncov dua nguoi viet ve nuoc
Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng - người cầm tập tài liệu đang họp đội ngũ tiếp viên trước khi lên đường nhận nhiệm vụ đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thời điểm tới vùng tâm dịch virus nCoV tại thành phố Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài chỉ 3 độ C mà mồ hôi túa ra, ai cũng nóng lòng đưa 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam...) trở nước về an toàn.

Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng của hãng hàng không Vietnam Airlines đã tâm sự như vậy sau chuyến bay đưa 30 công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.

Tình nguyện lao vào "bão"

Là người đã 25 năm sát cánh cùng những chuyến bay của Vietnam Airlines và là thành viên được “chọn mặt gửi vàng” trong chuyến bay đặc biệt chuyên chở công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước vào ngày 10/2, Bằng kể rằng, cả tổ tiếp viên tham gia chuyến bay này được chọn từ một danh sách hơn 33 tiếp viên xung phong, tình nguyện.

"Đây là một chuyến bay khá đặc biệt nên cả tổ bay và các thành viên trong chuyến bay có rất nhiều việc phải chuẩn bị để đón bà con mà vẫn đảm bảo được an toàn cho bản thân cùng cả đoàn công tác," anh Bằng chia sẻ.

[Đoàn 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán đã được đưa về nước an toàn]

Trước khi lên tàu bay, cả đoàn công tác và hành khách đều thực hiện đúng theo yêu cầu của các bác sĩ với đầy đủ đồ phòng hộ y tế đặc chủng và trang thiết bị theo quy định. Hãng cũng lên kế hoạch, chuẩn bị nhiều kịch bản cho việc đón khách từ Vũ Hán, kể cả trường hợp hành khách có các triệu chứng ho sốt đồng thời không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay đặc biệt này.

“Khó khăn nhất có lẽ việc đeo khẩu trang và bộ đồ bảo hộ y tế đặc chủng gây khó chịu cho các cháu bé,” tiếp viên trưởng chuyến bay chia sẻ.

Trong suốt hành trình, tiếp viên trưởng đi lại quan sát thấy hành khách dường như mệt nên sau khi cất cánh mọi người đều ngủ. Khi chuyến bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, ai cũng đều thở phào khi được các bác sĩ thông báo hành khách đều khỏe mạnh.

Nhưng có lẽ cảm giác nhẹ nhõm nhất được anh Bằng cảm nhận rõ ràng đó là khi cả đoàn được “thoát khỏi” bộ đồ bảo hộ và những nụ cười, ánh mắt hân hoan của những người Việt từ chính tâm dịch Vũ Hán về nước.

“Kết thúc chuyến bay đặc biệt này, cả đội đều sẵn sàng tinh thần cho một kỳ nghỉ dài ngày để cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm virus nCoV. Nhớ lại những lần sơ tán người lao động ở Lybia, thời điểm sóng thần tại Nhật Bản, phi hành đoàn hầu như không có ngày nghỉ. Cả đoàn đều coi đây như một cơ hội để nạp năng lượng, sẵn sàng cho những hành trình, thử thách mới trong tương lai. Việc thực hiện chuyến bay này là sứ mệnh, trách nhiệm của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam,” anh Bằng nói.

Chuyến bay từ “tâm” đến tâm dịch

Biết được thông tin chuẩn bị có chuyến bay đặc biệt đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, Đỗ Tùng Lâm (sinh năm 1984), kỹ sư tổ máy bay A321/330 của Vietnam Airlines lập tức lên gặp cán bộ điều hành xin đi trong sự phấn khích của bản thân và ngỡ ngàng của đồng nghiệp và các cán bộ.

Khi nghe tin anh muốn tham gia chuyến bay này, tất cả người thân đều rất lo lắng cho sự an toàn khi đi vào tâm vùng dịch virus nCoV. Nhưng với sự kiên quyết, Lâm đã thuyết phục gia đình ủng hộ và cảm thấy yên tâm với câu nói của vợ: “Vì công việc, nhiệm vụ, mẹ con em không ngăn cản anh, chỉ mong anh hết sức cẩn thận."

Lâm bảo, Vietnam Airlines và các bộ ban ngành đã họp đoàn và chuẩn bị rất kỹ lưỡng các kịch bản, tình huống giả định để kịp thời ứng phó cho chuyến đi này.

“Chuyến bay này còn đặc biệt hơn khi công dân đón về có một thai phụ 36 tuần, nên đoàn có thêm một bác sĩ sản khoa đi cùng để ứng phó. Là cán bộ kỹ thuật, công việc đòi hỏi phải đi theo tàu bay nhiều lần rồi, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc với một chuyến bay mang tình người sát lại gần nhau,” Lâm bồi hồi nhớ lại.

[Photo] 30 công dân Việt Nam từ Trung Quốc về sân bay Vân Đồn]

Khi các công dân Việt Nam được trở về nước, anh thấy trong mắt họ một niềm vui khôn xiết, nhưng họ vẫn rất nghiêm túc thực hiện mọi quy định, quy trình di chuyển để đảm bảo an toàn bởi vì vẫn phải xa người thân để thực hiện quy trình cách ly, theo dõi sức khoẻ.

tam su cua nhung nguoi vao tam dich ncov dua nguoi viet ve nuoc
Đỗ Tùng Lâm, kỹ sư tổ máy bay A321/330 của Vietnam Airlines (ngoài cùng bên trái) tình nguyện xin đi chuyến bay đưa 30 công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch Vũ Hán về nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhìn sang chiếc valy đồ vật dụng cá nhân được gia đình và vợ con đã chuẩn bị sẵn sàng để cách ly khi hoàn thành chuyến bay từ Vũ Hán, anh Lâm mong ước mọi người dân được bình an, đại dịch này sớm bị đẩy lùi. Và với anh, có lẽ đây là một kỉ niệm đẹp và ý nghĩa nhất trong hơn 10 năm công tác tại Vietnam Airlines./.

Trước đó, chuyến bay mang số hiệu VN68 đã đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn lúc 5 giờ 4 phút ngày 10/2. Sau khi hạ cánh, tất cả hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được đưa đến khu cách ly để kiểm tra, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Chiếc máy bay trở về từ Vũ Hán cũng được khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách, hầm hàng và tạm dừng khai thác trong 24 giờ để phòng ngừa tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm virus nCoV.

Đặc biệt, 15 thành viên phi hành đoàn đã được lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ.

Đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đưa hành khách khỏi những khu vực có tình hình chính trị, xã hội bất ổn. Trước đó, hãng đã tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ như lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011; đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005-2007..