tam guong nguoi cao tuoi voi tinh yeu sinh vat canh
Ông Đỗ Ngọc Phùng (áo trắng) trao đổi với các hội viên kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh

Ông Đỗ Ngọc Phùng, quê gốc ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1976, ông Phùng lập gia đình và lên Thái Nguyên phát triển kinh tế. Ông Phùng chia sẻ: "Sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa song vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, chính vì vậy, để phát triển kinh tế thì cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng, do đó tôi bắt đầu thử nghiệm trồng từ nhiều loại cây như: cây ăn quả (cam, canh), cây chè,…". Vừa làm vừa học hỏi qua bạn bè, sách báo và tham gia nhiều lớp tập huấn về làm vườn, đến năm 1990, ông "bén duyên" với nghề trồng hoa cảnh, cây cảnh…từ đó ông phấn đấu và dành nhiều tâm huyết để xây dựng một mô hình kinh tế tiêu biểu về sinh vật cảnh không chỉ của địa phương nói riêng mà của tỉnh Thái Nguyên nói chung. Ông cho biết thêm: "Nghề sinh vật cảnh rất phù hợp với người cao tuổi bởi đây là công việc trí tuệ, cùng với đó cũng đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình, tinh thần cũng luôn thoải mái, vui vẻ. Do đó, tôi vẫn luôn động viên con cháu học và làm nghề sinh vật cảnh, hiện nay, gia đình tôi đã phát triển thêm các gian hàng trưng bày, kinh doanh sinh vật cảnh tại nhiều địa điểm trên địa bàn TP Thái Nguyên".

Với vốn kiến thức và lòng đam mê sinh vật cảnh, hàng ngày, ông Phùng miệt mài với việc chăm sóc vườn sinh vật cảnh của mình. Đặc biệt, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp ươm giống, chăm sóc và cung cấp những giống cây cảnh đẹp và hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì thế, trên diện tích 1ha đất của ông luôn có hàng trăm tác phẩm sinh vật cảnh độc đáo, đẹp mắt, là điểm đến hấp dẫn của nhiều người.

Khi nhận xét về ông Phùng, cô Ứng Thị Hạnh, xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên cho biết: "Với vai trò là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Quyết Thắng, ông Phùng luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội; thường xuyên quan tâm, đi sâu, đi sát, hướng dẫn các hội viên các kỹ thuật, kinh nghiệm trồng và chăm sóc sinh vật cảnh, chính vì vậy, Làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc ngày càng phát triển, thu hút đông đảo khách hàng đến thăm quan, mua sắm".

Ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi, nhưng không chỉ say sưa với sinh vật cảnh, ông Phùng còn rất nhiệt tình và trách nhiệm tham gia công tác xã hội. Hiện nay, ông được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí như: Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh của TP Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP Thái Nguyên…Bên cạnh đó, với mong muốn phát triển nghề sinh vật cảnh của địa phương, từ năm 2013, ông Phùng thành lập Làng nghề Sinh vật cảnh xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, với trên 30 hội viên tham gia…đều là những hộ dân làm nghề trồng, sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh tại xóm Gò Móc…Việc trồng và kinh doanh sinh vật cảnh đã mang lại mức thu nhập cao cho gia đình ông Phùng cùng nhiều hộ dân trong xóm, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Với những đóng góp của mình, ông Phùng đã được Hội Sinh vật cảnh TP Thái Nguyên phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2015 và được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thái Nguyên. Đây không chỉ là phần thưởng xứng đáng, là vinh dự của riêng ông mà còn là niềm vui, tự hào chung của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thái Nguyên; cũng là động lực quan trọng giúp ông Phùng tiếp tục tham gia phát triển kinh tế, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương./.