tai dan gan voi chan nuoi an toan dich benh
Hệ thống theo dõi chuồng trại tại mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lại Thị Quyên ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ.

Gia đình chị Lại Thị Quyên ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra với 25 con lợn nái và 200 con lợn con buộc phải tiêu hủy. Vì chăn nuôi là sinh kế chính của gia đình, nên sau một thời gian, gia đình chị đã xây dựng lại hệ thống chuồng trại, khử trùng tiêu độc để tái đàn trở lại. Vừa qua, gia đình chị đã được xuất bán lứa lợn 200 con đầu tiên kể từ khi có dịch, đem lại lợi nhuận gần 1,7 tỷ đồng. Để có được thành công đó, gia đình chị đã thực hiện nghiêm túc các quy định về chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Chị Lại Thị Quyên chia sẻ: "Gia đình tôi thường xuyên sử dụng thuốc khử trùng, vôi bột để phun khử trùng; 5-7 ngày phun nước vôi 1 lần. Ngoài ra, đổ thuốc khử trùng vào hệ thống giàn mát để khử trùng".

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện vào đầu tháng 5/2019 và nhanh chóng lan rộng ra 30/30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ, ảnh hưởng gần 2.200 hộ. Số lợn phải tiêu hủy là hơn 28.300 con, tổng trọng lượng trên 1.800 tấn, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi. Sau gần một năm quyết liệt phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị và người dân, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới nên huyện cũng đã khẩn trương thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy. Đồng thời, làm tốt công tác tiêm phòng đợt 1 trên đàn gia súc, gia cầm, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, khuyến cáo bà con tái đàn theo lộ trình dựa trên hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và huyện. Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: "Trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn tiếp tục tham mưu UBND huyện Đại Từ chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện tốt các quy định Nhà nước về chăn nuôi, đặc biệt phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học".

tai dan gan voi chan nuoi an toan dich benh
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phạm Tiến Quang, ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình

Cũng giống như các địa phương khác, người chăn nuôi huyện Phú Bình cũng đang khẩn trương tái đàn, khôi phục lại chăn nuôi. Sau 9 tháng, đàn lợn 48 con bị tiêu hủy, gia đình anh Phạm Tiến Quang, ở xã Tân Kim khẩn trương khử trùng chuồng trại để tái đàn lợn. Rút kinh nghiệm từ lần dịch bệnh trước, nên anh Quang chú trọng đến kiểm soát chất lượng con giống, nguồn đầu vào đảm bảo rõ nguồn gốc, an toàn; cùng với đó là biện pháp chăn nuôi an toàn; đảm bảo chuồng trại luôn mát mẻ, sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, theo anh Quang, thời điểm này, gia đình cũng không dám vào đàn nhiều do còn những khó khăn. Anh Phạm Tiến Quang cho hay: "Chúng tôi muốn tăng đàn nhưng gặp khó khăn về con giống, giá giống bây giờ khoảng 3,5 triệu đồng/1 con lợn giống".

Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Phú Bình là 115.000 con, bằng 80% so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, tỷ lệ tái đàn không đồng đều, chỉ tập trung vào các trang trại, gia trại, còn đối với các nông hộ đạt thấp, nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý e dè do thiếu nguồn vốn và lo ngại về tình hình dịch bệnh. Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: "Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách các xã tham mưu cho UBND huyện các văn bản để hướng dẫn bà con trong việc vệ sinh khử trùng tiêu độc và các điều kiện cần thiết để thực hiện tái đàn; đồng thời, chỉ đạo mạng lưới thú y thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh; cũng như hướng dẫn tuyên truyền cho các hộ chuẩn bị tái đàn những biện pháp cần thiết, nêu cao tái đàn nhưng phải đảm bảo an toàn dịch bệnh".

Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình thông tin thêm: "Trong thời gian tới, đối với việc tái đàn, chúng tôi chia làm các đợt: Đợt đầu tái đàn 10%, sau đó 30 ngày, chúng tôi xét nghiệm với đàn lợn đợt đầu nếu cho kết quả âm tính với bệnh tả, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch, lúc đó sẽ tái đàn 100%".

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh, tổng đàn lợn là trên 560.000 con, tăng 32% so với tổng đàn cuối năm 2019 và đạt 83,19% tổng đàn trước khi có dịch. Trong đó, đàn lợn nái 100.000 con. Dự kiến, đến hết năm 2020, tổng đàn lợn sẽ tăng lên đạt khoảng trên 630.000 con, góp phần đáp ứng nguồn cung thịt lợn và phấn đấu giảm giá thịt lợn xuống 70.000 đồng - 75.000đồng/kg. Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng kế hoạch tái đàn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm cân đối đủ nguồn cung - cầu về thịt lợn./.