Hàng năm, 6 quốc gia (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) thay phiên nhau đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Y tế công cộng với mục đích nâng cao năng lực khu vực trong giải quyết các nhu cầu và các thách thức lớn về y tế công cộng thông qua việc cung cấp các nghiên cứu, báo cáo về giáo dục sức khỏe cộng đồng cũng như giải pháp, chính sách nhằm cải thiện sức khỏe người dân và công bằng y tế.

Năm nay, chủ đề của hội nghị là Bảo hiểm y tế toàn cầu trong việc tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe. Đây là lần đầu tiên hội nghị được thực hiện tại Campuchia.

sv viet mang nghien cuu ve benh dai den hoi nghi y te tieu vung c

Nhóm 4 sinh viên Việt Phan Trà, Ánh Phương, Triệu Phú và Quỳnh Như (lần lượt từ trái qua) góp mặt tại Hội nghị quốc tế về y tế công cộng báo cáo nghiên cứu về phòng, chữa bệnh dại.

Diễn ra bắt đầu từ ngày 5/6, hội nghị 2 ngày quy tụ khoảng 400 đại biểu là giảng viên, sinh viên đến từ các trường Y tế công cộng của các nước thuộc khối GMS; cùng sự góp mặt của các diễn giả vốn là các chuyên gia y tế công cộng từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bỉ, Mỹ, Đức và Singapore nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và bài học chính sách từ mỗi quốc gia.

Là một nhóm trong số những đại diện trẻ của Việt Nam, nhóm 4 sinh viên năm cuối chuyên ngành bác sĩ y học dự phòng đến từ Khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược Huế đã góp mặt và báo cáo tại hội nghị nghiên cứu về thực trạng phòng, chống bệnh dại tại một huyện miền núi ở Việt Nam.

Phan Triệu Phú, một thành viên của nhóm cho biết, báo cáo tập trung vào thực trạng thờ ơ, chưa coi trọng dự phòng căn bệnh nguy hiểm này. Đáng chú ý, tại huyện miền núi mà trình độ dân trí còn thấp, 80% đồng bào là dân tộc thiểu số, rất nhiều người dân vẫn đang áp dụng những phương pháp tín ngưỡng sai lầm trong chữa bệnh dại dẫn đến những hậu quả vô cùng đau lòng và đáng tiếc.

Để đi đến kết quả nghiên cứu góp mặt trong Hội nghị mang tầm quốc tế, nhóm sinh viên ĐH Y dược Huế đã trải qua nhiều giai đoạn từ chọn đề nghiên cứu, lên đề cương đặt vấn đề nghiên cứu, mục tiêu, dự kiến kết quả, kinh phí, thời gian nghiên cứu, sai số có thể, hệ thống câu hỏi điều tra.

Đến giai đoạn thực địa, nhóm sinh viên Việt đi thực tế đến huyện miền núi nơi tập trung hơn 80% đồng bào thiểu số để tiến hành điều tra nhằm tìm ra yếu tố ảnh đến kiến thức, thái độ, thực hành phòng, chống bệnh dại của người dân nơi đây. Từ đó, báo cáo đưa ra những kiến nghị cho cán bộ y tế địa phương về giải pháp phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại – căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây nên từ động vật sang người và cho đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

sv viet mang nghien cuu ve benh dai den hoi nghi y te tieu vung c

Các thầy cô, sinh viên đoàn Việt Nam tại hội nghị.

Chàng trai duy nhất trong nhóm – Triệu Phú chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên mình tham gia báo cáo tại hội nghị quốc tế. Mình cho rằng ngành học của mình có liên quan đến nhiều vấn đề cần phải cập nhật thường xuyên. Nếu muốn có được kiến thức tốt và sâu rộng về một vấn đề nào đó thì các bạn trẻ hãy thử sức làm nghiên cứu.

Ngoài việc các bạn sẽ học được rất nhiều kĩ năng trong quá trình làm nghiên cứu khoa học, các bạn còn có cơ hội được tham gia báo cáo tại một hội nghị mang tầm cỡ quốc tế, nơi các bạn có thể được thể hiện khả năng của bản thân qua việc trình bày nghiên cứu trước hội đồng giám khảo có uy tín, để từ đó trực tiếp trao đổi ý kiến và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia”.

Phú cũng nhấn mạnh, việc tham gia nghiên cứu cũng như tham gia các hội nghị quốc tế có uy tín liên quan đến ngành học cũng là cơ hội tốt để các bạn có thể tìm kiếm được những học bổng sau đại học tại nước ngoài.

Bạn Phạm Thị Ánh Phương, thành viên nhóm bày tỏ: “Đây là cơ hội để mình có thể lắng nghe những vấn đề chung trong khu vực từ những nghiên cứu cụ thể và thông qua các báo cáo trực tiếp của các nước. Từ đó sẽ phục tốt cho việc định hướng về nội dung cũng như lộ trình phát triển bản thân liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân tại nước nhà”.

Nữ sinh viên Nguyễn Quỳnh Như cũng cho biết, bản thân cô rất vinh dự khi đề tài của nhóm mình được chọn để tham dự hội nghị uy tín mang tầm khu vực. “Đây là cơ hội để mình có thể lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia bàn về những giải pháp khả thi về tương lai của lĩnh vực y tế công cộng và sự phát triển trong các chương trình chăm sóc sức khỏe. Từ đó, mình thêm tự tin và có nhiều động lực để theo đuổi đam mê và ngành học đã chọn”, Như nói.

Còn với thành viên Phan Trà, tham dự Hội nghị quốc tế về các vấn đề Y tế công cộng mở rộng giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 8 chính là cơ hội để giao lưu học hỏi với các sinh viên các nước trong khu vực, những người cùng lĩnh vực nghiên cứu và học tập và cũng là dịp để có thể khám phá sâu sắc hơn về văn hóa của các nước láng giềng.

Trong khuôn khổ hội nghị, có tổng cộng 185 bài báo cáo khoa học (phát biểu miệng và triễn lãm poster) với các chủ đề y tế công cộng đa dạng được trình bày. Hội nghị thực sự đã mang lại những lợi ích thiết thực cho việc cung cấp các bằng chứng khoa học và thực tiễn trong lập chính sách trong nhiều lĩnh vực y tế công cộng ở nhiều vùng và quốc gia.