Những ngày cuối năm, trong khi mọi người tất bật lo chuẩn bị Tết, tại khoa Nhiễm A, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhiều người bị biến chứng do viêm gan B đang từng ngày hồi hộp chờ đợi kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả cho tải lượng vi rút viêm gan B trong máu còn tăng cao kèm theo các triệu chứng của suy gan, xơ gan chưa cải thiện hơn, đường về nhà của họ còn dài.

Ngược xuôi chữa bệnh

Một người nằm BV, 3-4 người chăm là tình trạng của ông TQĐ (54 tuổi, quê Bình Phước). Ông Đ. tình cờ biết mình nhiễm siêu vi viêm gan B vào năm 2004 khi đi khám sức khỏe. Điều trị được hơn 6 tháng, cảm thấy bất tiện và sức khỏe bình thường nên ông ngưng uống thuốc.

Khoảng 4 tháng nay, ông thường đau bụng, sốt, biết bệnh tái phát và sợ tốn tiền, ông lại tìm bài thuốc Nam. “Ai chỉ gì tôi cũng uống hoặc ra vườn nhổ gai mướp, cây chó đẻ, đu đủ, an xoa… Không ngờ càng uống chân và bụng càng phù to nên gia đình đưa lên đây nhập viện” - ông Đ. kể.

Không có người thân chăm sóc, ông PKH (51 tuổi, quê Quảng Ngãi) tự xoay xở mọi việc. Gương mặt buồn bã, hốc hác, ông chậm rãi chia sẻ năm 2007, trong một lần đi hiến máu nhân đạo thì phát hiện bị nhiễm siêu vi viêm gan B. Do thấy sức khỏe vẫn bình thường và có người mách nên ông tìm uống thuốc Nam của một ông thầy ở Nghệ An. Uống được một thời gian, ông bỏ hẳn. Năm 2015, ông có dấu hiệu mệt mỏi, miệng đắng, ăn không được nên vào BV Quảng Ngãi thăm khám và được bác sĩ chỉ định điều trị, hướng dẫn uống thuốc đặc trị liên tục.

Đến hè 2018, do công việc giao tiếp thường phải nhậu nhiều nên ông ngưng thuốc. “Lúc đó, tôi thấy không uống cơ thể vẫn khỏe, vả lại do tôi nhậu nhiều nên nghĩ uống thuốc vào cũng sẽ phá thuốc, không có tác dụng gì” - ông K. chia sẻ. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, ông cảm thấy rất mệt mỏi, người gầy sút, không thiết ăn uống nên vào BV Bệnh nhiệt đới khám. Kết quả cho thấy vi rút viêm gan B trong máu ông đang bùng phát, nếu không kiềm chế được sẽ dẫn đến suy gan, xơ gan.

suy gan xo gan vi tu chua viem gan
Ông TQĐ bị xơ gan giai đoạn cuối, đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: HL

Nhiều biến chứng khi tự ý điều trị

BS Đào Bách Khoa, Trưởng khoa Nhiễm A, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết khoa Nhiễm A đang điều trị cho hơn 10 ca bùng phát viêm gan B, trong đó 60% bùng phát do bệnh nhân tự ngưng thuốc.

Theo BS Khoa, nhiều người dân hiểu chưa đúng về bệnh viêm gan B nên tự ý bỏ điều trị thuốc ức chế vi rút viêm gan B, tìm đến các loại thuốc lá, cây cỏ theo lời chỉ dẫn của những người không có chuyên môn hoặc theo các thông tin quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng để câu khách.

“Chưa biết thuốc Đông y có tác dụng điều trị tốt hay không nhưng cho đến nay vẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng nghiêm túc nào chứng minh được chúng ức chế vi rút viêm gan B hiệu quả. Vì thế, hầu hết các trường hợp khi ngưng thuốc ức chế vi rút đang uống đều bị bùng phát viêm gan B nặng dẫn đến suy gan, xơ gan rất nhanh.

8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân thứ ba gây tử vong với gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Nếu bệnh nhân tự ý ngưng thuốc mà uống rượu bia nhiều cũng là yếu tố khiến viêm gan B bùng phát nhanh và nặng hơn” - BS Khoa cảnh báo.

Theo BS Khoa, thuốc điều trị viêm gan B chủ yếu là thuốc uống với mục đích ức chế vi rút tăng sinh để bệnh không tiến triển thêm, ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan về sau. Thuốc này được sử dụng lâu dài, có thể suốt đời chứ không thể ngày một ngày hai nên đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ và tâm lý kiên trì điều trị.

Ngay cả một số trường hợp, khi xét nghiệm tải lượng vi rút viêm gan B trong máu dưới ngưỡng phát hiện kéo dài và được cho ngưng thuốc thì người bệnh cũng phải thăm khám định kỳ để phát hiện tình trạng bùng phát siêu vi hoặc các biến chứng xơ gan, ung thư gan có thể xuất hiện sau đó.

Điều trị không quá tốn kém

Viêm gan thường không có biểu hiện rõ ràng. Bệnh diễn ra âm thầm, nhiều người đã nhiễm vi rút gây viêm gan nhưng trông vẻ ngoài vẫn khỏe mạnh, kể cả khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh viêm gan B nhưng do tỉ lệ người dân nhiễm siêu vi B cao, bệnh phải theo dõi và điều trị gần như suốt đời nên bệnh viêm gan vi rút B vẫn đang là thách thức tại Việt Nam.

Việc điều trị viêm gan B hiện không quá tốn kém vì đã được bảo hiểm y tế chi trả đa phần và mỗi ngày uống một viên thuốc. Khi tình trạng bệnh ổn định, người bệnh có thể sẽ được hẹn tái khám định kỳ mỗi 1-3 tháng nên không quá mất công và thời gian như nhiều người lầm tưởng.