Tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn

Thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng,

vấn đề tham nhũng chưa bao giờ “nóng” như giai đoạn hiện nay. Toàn Đảng, toàn dân đều xác định đây là quốc nạn, là giặc nội xâm cần phải chống một cách triệt để.

Tuy nhiên, theo đại biểu, 10 năm thi hành Luật PCTN hiện hành, giống như xây lò nhưng “củi” to, “củi” ướt chưa cháy được. Vậy sửa luật này phải sửa chữa, gia cố để tất cả các loại củi đều phải cháy.

sua luat phong chong tham nhung phai dam bao cui to cui uot deu chay
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến: "Gia cố lò để các loại củi đều phải cháy"

“Sửa luật phải làm sao triển khai được đường lối của Đảng và mong muốn của nhân dân là phòng chống tham nhũng toàn diện, hiệu quả. Điều đó không có nghĩa dàn trải, pha loãng để rồi chúng ta không chống được” – luật sư Chiến lưu ý khi mở rộng phạm vi ra cả đối tượng ngoài Nhà nước.

Ví như một lò than đốt cùng lúc các loại củi thì không giúp tăng nhiệt mà có thể còn làm tắt đi, đại biểu Nguyên Văn Chiến nhấn mạnh, tham nhũng là trục lợi, tham ô, tư lợi tài sản Nhà nước làm của riêng, như vậy, phải xác định người có chức vụ, quyền hạn, người trực tiếp được giao trách nhiệm quản lý tài sản là chủ thể đặc biệt có thể lấy được tiền bạc của Nhà nước.

“Nếu mở rộng ra ngoài Nhà nước thì không thuộc phạm vi chủ thể, vậy tài sản nào là tài sản tham nhũng để ta xác định phòng chống và tránh vi phạm quyền về tài sản của người dân? Đây là vấn đề lớn cần đặt ra để có giải pháp. Do đó trong thiết kế luật này phòng là chính, còn chống là làm sao có hành vi tham nhũng thì thu hồi được tài sản về cho Nhà nước” – vị đại biểu đoàn Hà Nội nêu quan điểm.

Tham nhũng không dừng lại ở khu vực công

Đại biểu Lê Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phòng chống tham nhũng, từ hoàn thiện thể chế đến điều tra, tuy tố, xét xử. Nhiều vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm minh thể hiện tính răn đe, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

sua luat phong chong tham nhung phai dam bao cui to cui uot deu chay
Đại biểu Lê Thị Thuỷ: "Khắc phục hình thức, đi vào thực chất để theo dõi biến động tài sản, góp phần phòng ngừa tham nhũng"

Nữ đại biểu cho rằng, thực tế qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, thậm chí là các đại án diễn ra ở khu vực ngoài Nhà nước cho thấy, tham nhũng không dừng lại quan niệm truyền thống ở khu vực công mà là tệ nạn chung, làm giảm niềm tin, giảm tính cạnh tranh, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

“Việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài Nhà nước là hết sức cần thiết, phù hợp với quan điểm của Đảng và thực tế Bộ luật Hình sự đã quy định một số hành vi liên quan. Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi cũng phù hợp Công ước LHQ mà Việt Nam là thành viên, phù hợp quan điểm của cộng đồng quốc tế...” – đại biểu Lê Thị Thuỷ phân tích và bày tỏ đồng tình việc mở rộng phạm vi với lộ trình và bước đi phù hợp.

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, theo bà Lê Thị Thuỷ, cả hai phương án đều phải cân nhắc. Bởi lẽ, nếu mở rộng đối tượng thì theo nghiên cứu cho thấy giải pháp đảm bảo minh bạch còn mang tính hình thức do đối tượng kê khai quá đông. Còn thu hẹp thì lại chưa phù hợp với chủ trương tiến tới tất cả cán bộ công chức viên chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản.

“Vấn đề đặt ra là nghiên cứu bổ sung điều khoản tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo kê khai đáp ứng nguyên tắc trung thực, khách quan, tự giác... Qua đó khắc phục hình thức, đi vào thực chất để theo dõi biến động tài sản, góp phần phòng ngừa tham nhũng và phục vụ công tác cán bộ” – bà Lê Thị Thuỷ nhấn mạnh./.