su dung te bao goc dot pha trong dieu tri suy tim

Các tế bào gốc có thể mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân bị suy tim.

Suy tim được định nghĩa là khi tim không còn khả năng bơm máu và oxy đủ cho cơ thể. Có khoảng 5,7 triệu người lớn ở Mỹ đang bị suy tim và đây là nguyên nhân của 1/9 số ca tử vong tại nước này trong năm 2009.

Suy tim có thể xảy ra do những bệnh như bệnh mạch vành, tiểu đường, và huyết áp cao. Nó cũng có thể là hệ quả của một số hành vi, bao gồm hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều chất béo, không tập thể dục đầy đủ, hoặc béo phì.

Hiện có một số phương pháp điều trị cho suy tim, nhưng còn rất xa mong muốn. Các can thiệp ban đầu thường nhằm mục đích điều trị nguyên nhân của trạng - ví dụ như huyết áp cao, cũng như giảm triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương thêm, tăng tuổi thọ, và cải thiện chất lượng sống.

Một số thủ thuật y khoa có thể được thực hiện nếu thay đổi lối sống và thuốc men không đủ hiệu quả. Những thủ thuật này bao gồm máy tạo nhịp tim, có thể giúp cả hai nửa tim co bóp nhịp nhàng hơn, hoặc máy khử rung tim cấy trong để điều chỉnh nhịp tim.

Trong một số trường hợp, ghép tim là lựa chọn duy nhất, nhưng việc thiếu nguồn tim hiến tặng và mức độ nặng nề của ca mổ khiến đây trở thành giải pháp cuối cùng.

Sử dụng tế bào gốc để “sửa chữa” tim

Nghiên cứu được đăng trên tờ Journal of the American Heart Association đã tìm hiều việc sử dụng các tế bào gốc cơ để “sửa chữa” tim bị tổn thương. Trước đây nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã từng chứng minh lợi ích tiềm tàng của kỹ thuật này trên chuột, vì vậy giờ là lúc để chuyển sang người.

Tổng cộng nhóm đã chọn 27 bệnh nhân suy tim bị hạn chế khả năng gắng sức và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. 15 bệnh nhân bị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, và 12 bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn.

Thử nghiệm giai đoạn I bao gồm tạo ra những “miếng dán” tế bào từ cơ đùi của bệnh nhân (cụ thể là cơ rộng trong). Những “miếng dán” tế bào mô tự thân này sau đó được “dán” vào bề mặt của tâm thất trái của tim nhờ phẫu thuật.

Tế bào gốc đôi khi được sử dụng để thay thế hoàn toàn các mô hư hỏng của cơ thể. Tuy nhiên, tế bào gốc cũng có thể giúp tái tạo tế bào theo cách thứ hai - sử dụng hiệu ứng paracrine (cận tiết). Mô được cấy ghép tiết ra các yếu tố khuyến khích mô cũ hoạt động khác đi, đó chính là điều xảy ra trong nghiên cứu này. Mô ghép giúp mô hiện tại hoạt động tốt hơn, thay vì lấn át mô cũ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân không gặp biến chứng đáng kể, và một năm sau phẫu thuật, có sự cải thiện đáng kể về khả năng gắng sức và chức năng tim.

Các tác giả kết luận: “Nghiên cứu giai đoạn I này thấy rằng liệu pháp đơn thuần bằng ghép miếng tế bào là cách điều trị khả thi cho bệnh cơ tim. Các kết quả hứa hẹn về độ an toàn và phục hồi chức năng và an toàn thấy trong nghiên cứu cần được tìm hiểu thêm để xác nhận hiệu quả điều trị của miếng dán tế bào cơ xương tự thân đối với suy tim ứ huyết nặng".

Mặc dù cần có những thử nghiệm lớn hơn, và theo các tác giả, "hiệu quả điều trị còn khiêm tốn," song nghiên cứu chứng tỏ sự an toàn của can thiệp và tiềm năng trong tương lai.