Sơn Bình là thủ phủ của cây ăn quả ở Khánh Sơn, nhưng mỗi giai đoạn lại gắn với 1 cây trồng chủ lực và bây giờ, mô hình trồng đa dạng các loại cây đang được nhiều nông dân theo đuổi.

son binh mie n da t hu a cua nhung ty phu tre
Ngoài sầu riêng, anh Đào Văn Yến còn trồng thêm bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt, tiêu, cam, quýt, cà phê. Ảnh: H.Đ

12ha rẫy của gia đình anh Đào Văn Yến có 1.400 gốc sầu riêng, 400 cây bưởi, 400 trụ tiêu, 1.000 cây cam, quýt, hơn 100 cây măng cụt… Còn anh Đậu Dương Trần Nguyễn trồng trên gần 20ha rẫy của mình 2.000 cây sầu riêng, 1.000 cây măng cụt, hơn 1.000 gốc bưởi, hàng trăm gốc chôm chôm…

Theo anh Nguyễn, số lượng, diện tích cây trồng phải đa dạng để người trồng không lệ thuộc quá lớn vào một loại cây nào, để khi cây này mất mùa, mất giá thì vẫn có những cây khác có thể cứu nông dân khỏi cảnh trắng tay. Cùng quan điểm, anh Yến chia sẻ: “Việc lựa chọn nhiều loại cây trồng được đúc rút sau một quá trình gắn bó với nhiều cây trồng ở đây. Mỗi cây có những đặc tính và ưu khuyết điểm riêng. Chẳng hạn như chôm chôm, tuy chưa bằng sầu riêng, nhưng hơn hẳn cà phê và đặc biệt dễ trồng, dễ chăm sóc, thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/cây/năm. Khi cây trồng chủ lực bị ảnh hưởng, sẽ có những cây trồng khác trợ lực, chí ít là giúp nông dân không bị thua lỗ nặng nề”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, diện tích gieo trồng toàn xã là 710ha, hơn 520ha trong đó là cây lâu năm gồm cà phê, hồ tiêu, điều, chuối, sầu riêng, mít, chôm chôm, măng cụt, bưởi, cam, quýt.

Những năm gần đây, bên cạnh cây sầu riêng đóng vai trò chủ lực, nhiều hộ nông dân đã chuyển một số diện tích sang bưởi da xanh và quýt đường. Đến hết năm 2016, toàn xã mới có khoảng 20ha bưởi, nhưng chỉ trong năm 2017, người dân đã chuyển đổi trồng thêm 28ha bưởi, nâng tổng diện tích bưởi lên gần 50ha…