Chỉ còn ít ngày nữa kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Dự án Luật Lao động sửa đổi sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động và Hội nhập quốc tế.

som nhat den nam 2029 moi co lao dong dau tien ve huu o tuoi 62
Ảnh minh họa

Theo Dự thảo Luật Lao động sửa đổi, sẽ tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình để tiến tới nam sẽ về hưu ở tuổi 62, còn nữ về hưu ở tuổi 60. Góp ý về nội dung này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng: Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu trên thế giới, tuy nhiên còn phụ thuộc vào trình độ, kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

Theo ông Cẩm, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, dự kiến sau năm 2035 mới chuyển sang thời kỳ già hóa dân số. Ngoài ra, lao động trong bộ phận hành chính đang quá đông và kém hiệu quả, nếu không tinh giản bộ phận này trước thì sẽ không giải quyết việc làm cho số sinh viên mới ra trường. Hiện nay, cả nước có trên 200.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm. Tăng tuổi nghỉ hưu dù ít dù nhiều sẽ ảnh hưởng đến giải quyết việc làm cho số sinh viên này.

Vì vậy, ông Trương Văn Cẩm đề nghị, thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu nên bắt đầu khi Việt Nam kết thúc thời kỳ dân số vàng hoặc gần kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng và các cơ quan hành chính sự nghiệp đã tinh giản được đến mức hợp lý.

"Tôi nghĩ, đối với những ngành dệt may- da giầy- thủy sản nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu lên thì cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với những ngành này. Rồi tuổi thọ Việt Nam cao thì tôi cho rằng tuổi thọ cao không đồng nghĩa là sức khỏe đi làm cũng cao. Tức là vì tiến bộ y tế người ta có thể sống thêm 5 năm 10 năm, nhưng để đi làm thêm 3 năm 5 năm 10 năm không được. Chính về thế, chúng tôi đề nghị khi tăng tuổi nghỉ hưu thì khu vực hành chính sự nghiệp nên tăng trước và khu vực sản xuất có độ trễ (có thể trễ 5 đến 10 năm so với khu vực hành chính sự nghiệp", ông Cẩm nói.

Đồng quan điểm này, ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển da giầy Việt Nam cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cần lưu ý tới các đối tượng làm việc trực tiếp trong môi trường nặng nhọc, độc hại, cần nghỉ hưu sớm

"Về tuổi nghỉ hưu, cần có quy định về nghỉ hưu sớm. Ví dụ, lao động trong ngành dệt may, da giầy họ không thể chờ đến 50 tuổi hay làm việc 20 năm, 30 năm. Chúng tôi được biết, trong các nhà máy da giầy, chị em nữ chỉ làm đến 35 đến 40, 45 tuổi là nghỉ. Sau đó họ lấy tiền bảo hiểm về quê rồi mở hiệu may, cắt tóc…Vì vậy, theo tôi quy định về tuổi hưu sao cho linh hoạt", ông Dương nói.

Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đưa ra hai phương án về tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ngoài ra, Dự thảo luật cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc thuộc nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Với cách tính của Ban soạn thảo, nếu từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm khoảng 3-4 tháng tuổi hưu đối với nam và nữ (theo phương án 1) thì đến năm 2029, cả nước mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến năm 2036, mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.

Giải thích rõ hơn về nội dung này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60, nhưng lộ trình rồi, có áp ngay đâu, nhưng lưu ý là nhóm nâng tuổi nghỉ hưu chỉ là những người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Nhóm thứ 2 là những người lao động làm việc mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại; người lao động làm việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và một số ngành nghề đặc biệt khác do Chính phủ quy định thì vẫn giảm 5 tuổi nghỉ hưu. Điều này có nghĩa là lao động ngành dệt may và các ngành nghề nặng nhọc là tuổi nghỉ hưu không có gì thay đổi. Nhóm thứ 3 là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, những người có trình độ quản lý là trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được kéo dài thời gian, nhưng không quá 5 năm."

Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), trong đó có nội dung liên quan đến tuổi nghỉ hữu sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, khai mạc vào ngày 20/5./.