soi noi thao luan tai to ve nhung chu truong dinh huong phat trien kinh te xa hoi
Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Cho ý kiến vào Tờ trình về việc đề nghị thông qua chủ trương đề xuất chuyển dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ Sông Cầu tỉnh Thái Nguyên gồm 9 dự án thành phần và Tờ trình về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định hoá, cơ bản các đại biểu nhất trí như dự thảo do UBND tỉnh trình. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần xem xét lại chi tiết từng nội dung của đề án, dự án sau khi được điều chỉnh, bổ sung sao cho sát với tình hình thực tế của địa phương. Cùng với đó, sau khi được thống nhất, thông qua tại kỳ họp lần này, các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo thực hiện các đề án, dự án có hiệu quả và đảm bảo các quy định của pháp luật; quyết tâm để hoàn thành dự án, đề án theo đúng kế hoạch.

Đối với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét tỷ lệ phân bổ kinh phí và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để đảm bảo sự tương quan hợp lý giữa các huyện, thành phố, thị xã với việc ưu tiên hỗ trợ các vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng băn khoăn, liệu việc xác định các tiêu chí phân bổ vốn đã gắn với đặc thù của từng địa phương trong tỉnh chưa, bởi theo tờ trình, các tiêu chí này hiện đang áp dụng cho toàn quốc. Theo đó, một số ý kiến đề xuất bổ sung thêm tiêu chí về diện tích đất đai và đơn vị hành chính để đảm bảo việc phân bổ được khách quan. Về những băn khoăn của đại biểu, UBND tỉnh và cơ quan tham mưu xây dựng các văn bản trình tại kỳ họp đã giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan.

Đóng góp ý kiến vào Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2022, một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này và các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sau khi được thành lập.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tính phù hợp giữa đề án với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cũng như khả thi của nguồn kinh phí thực hiện đề án. Bởi theo Tờ trình thì nguồn kinh phí này tương đối lớn so với khả năng cân đối của các địa phương. Bên cạnh đó, cần làm rõ chế độ đặc thù đối với các chức danh đội trưởng, phó đội trưởng và đội viên của lực lượng dân phòng./.