Trong khi đó, theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 19 giờ 20 ngày 5-4 theo giờ Việt Nam, trên toàn thế giới có 1.216.492 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 65.716 ca tử vong, 253.698 bệnh nhân đã bình phục và 44.692 trường hợp đang nguy kịch. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 208 quốc gia và vùng lãnh thổ.

so ca nhiem covid 19 trong mot ngay tren toan cau lan dau tien vuot 100000 nguoi
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm Covid-19 khi mua hàng hóa tại siêu thị ở Falls Church, Virginia, Mỹ ngày 4-4-2020.

* Tại Đức, theo số liệu của Viện nghiên cứu Robert Koch, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới đã tăng 5.936 ca lên 91.714 ca. Con số này thấp hơn 146 ca nhiễm mới so với một ngày trước đó. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Đức ghi nhận số ca nhiễm mới giảm. Số ca tử vong do Covid-19 của Đức trong 24 giờ qua đã tăng 184 ca lên 1.342 ca.

* Chính phủ Na Uy ngày 5-4 thông báo sẽ cử một nhóm nhân viên y tế và hậu cần đến vùng Lombardy của Italy để hỗ trợ vùng này chống dịch. Hoạt động này dự kiến kéo dài 4 tuần và nhiều khả năng sẽ được triển khai tại Bergamo, một trong những thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch, sau khi nhà chức trách y tế vùng Lombardy đã yêu cầu sự hỗ trợ quốc tế từ ngày 31-3. Nhóm hỗ trợ của Na Uy gồm 20-25 bác sĩ, y tá và nhân viên và hậu cần, những người từng có công tác tương tự trong dịch Ebola tại CHDC Congo và dịch sởi tại Samoa những năm gần đây.

Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie khẳng định "sự đoàn kết ở châu Âu không phải chỉ là nói suông và giờ đây cần phải được thể hiện trên thực tế". Ông nói: "Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau trong khủng hoảng". Đáng chú ý, Na Uy hiện không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Hiện Na Uy đang ghi nhận 5.640 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 ca tử vong. Dự kiến đến ngày 8-4, chính phủ nước này sẽ quyết định có cần gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch hay không, vốn dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 13-4, bao gồm đóng cửa trường học và nhà trẻ.

* Sau hội nghị trực tuyến các ngoại trưởng EU cuối tuần qua, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU cho biết hiện đang có khoảng 250.000 công dân EU đang mắc kẹt không thể về nước do dịch COVID-19, và EU sẽ tìm cách sắp xếp đưa những người này trở về càng sớm càng tốt.

Tại Trung và Đông Âu, những tuần gần đây, các nước EU đã phối hợp để đưa công dân của họ trở về từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Thông qua hệ thống bảo vệ dân sự của khối, hơn 50 chuyến bay đã được tổ chức và đồng tài trợ, đảm bảo cho hơn 10.000 người về nước. Hàng chục nghìn người khác cũng đã được về nhà qua sự hỗ trợ của đại sứ quán các quốc gia EU thông qua các chuyến bay đặc biệt. Theo ông Borrell, EU việc sắp xếp các chuyến bay ngày càng trở nên khó khăn, do các hãng hàng không đã hủy bỏ nhiều chuyến bay và các quốc gia ngoài châu Âu đang đưa ra các biện pháp mới để hạn chế di chuyển của người dân.

* Ngày 5-4, nhà chức trách Algeria đã quyết định mở rộng lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ ở 48 tỉnh và thành phố, theo các Nghị định 20-69, 20-70 và 20-72 của Tổng thống AbdelmadjidTebboune trong khuôn khổ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Cụ thể Algeria sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm với 38 địa phương từ 19 giờ đến 7 giờ, đồng thời mở rộng thời gian giới nghiêm từ 15 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau đối với 9 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất, đã áp đặt từ hôm 23-3, gồm thủ đô Algiers, Oran, Bejaia, sétif, Tizi-Ouzou, Tipaza, Tlemcen, Aïn Defla và Médéa. Đặc biệt, riêng tỉnh Blida - tâm dịch lớn nhất cả nước, đã áp đặt lệnh giới nghiêm toàn phần 24 giờ. Các quyết định giới nghiêm mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 5 đến 19-4.

Hiện Algeria được đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch Covid-19, đồng thời để tránh lây nhiễm bệnh, chính quyền yêu cầu tất cả người dân bắt buộc tuân thủ các quy định về kiểm soát sự lây lan của chính quyền, theo đó chỉ được ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc, Algeria được xem là đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh Covid-19. Nhà chức trách cũng đã ban lệnh cấm đầu cơ tích trữ lương thực và giao cho cơ quan quản lý thị trường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; quản lý chặt chẽ và cấm tăng giá bán các sản phẩm y tế như khẩu trang và nước diệt khuẩn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria đã xếp thứ 2 ở châu Phi về tổng số ca mắc Covid-19, chỉ sau Nam Phi, song lại có số ca tử vong cao nhất châu Phi, với tỷ lệ trên 10% (152 ca tử vong/1.320 người mắc).

* Cũng trong ngày 5-4, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định dịch Covid-19 có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát ở châu Phi và EU phải vào cuộc để tránh sự ảnh hưởng cho khối.

Ông Borrell khẳng định nếu EU không giải quyết vấn đề ở châu Phi, khối sẽ không thể giải quyết được ở châu Âu. Theo đó, EU cần phải giúp đỡ châu Phi vì lợi ích của chính mình bởi ngay cả khi dịch châu Âu được giải quyết cũng sẽ không triệt để do dịch có thể bùng phát dữ dội bất cứ lúc nào. Ngay cả trước cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19, châu Phi vẫn là ưu tiên hàng đầu của EU. Tháng 12-2019. các ngoại trưởng EU đã mô tả năm 2020 là "năm bản lề" trong quan hệ giữa châu Phi và EU. Ông Borrell cũng cho biết Brussels hiện nghiên cứu một gói tài chính nhằm hỗ trợ các nước châu Phi chống dịch. Theo đó, ông đã yêu cầu một cuộc họp các bộ trưởng phát triển EU vào ngày 8-4 để thảo luận về kế hoạch./.