Sốt xuất huyết tăng đột biến tại các tỉnh phía Nam

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, các tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc sốt xuất huyết tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các khu vực có số mắc cao chủ yếu ở khu vực phía Nam như TP HCM (tăng 3,3 lần), Khánh Hòa (7,9 lần), Bà Rịa - Vũng Tàu (5,8 lần)...

so ca mac sot xuat huyet tang hon 3 lan so voi cung ky 2018
Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, bệnh sốt xuất huyết là loại bệnh nguy hiểm và liên tục bùng phát trên địa bàn thành phố. Do sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp quan trọng số một vẫn là sự chủ động phòng ngừa.

“Thành phố mong các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là người dân trong cộng đồng nâng cao ý thức phòng chống sốt xuất huyết. Thường xuyên dọn dẹp các vật chứa nước trong và xung quanh nhà để hạn chế thấp nhất sự phát sinh loăng quăng và gây mầm bệnh của muỗi”, bác sĩ Nguyễn Quang Hưng khuyến cáo.

Sốt xuất huyết tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gia tăng do diễn tiến theo chu kỳ dịch, cách 3-4 năm thì có 1 năm tăng đột biến. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát cao thành dịch, mặc dù đây vẫn đang là mùa khô của các tỉnh khu vực phía Nam.

Tại Đà Nẵng, hiện không phải là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, nhưng do thời tiết thay đổi cộng với sự chủ quan của người dân khiến bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm, Đà Nẵng ghi nhận hơn 2.250 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc bệnh tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.so ca mac sot xuat huyet tang hon 3 lan so voi cung ky 2018

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên. Dự báo, trong thời gian tới số trường hợp mắc sốt xuất huyết sẽ có xu hướng gia tăng do thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản.

so ca mac sot xuat huyet tang hon 3 lan so voi cung ky 2018
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Hiện nay, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 224 trường hợp mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân mắc rải rác tại 29/30 quận, huyện, thị xã, 125 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong. Hiện còn 10 trường hợp đang điều trị. Số mắc giảm so với trung bình cùng kỳ 5 năm (trung bình giai đoạn từ 2014-2018 ghi nhận 254 ca) và đặc biệt giảm mạnh so với năm có dịch lớn 2017 (672 ca).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội khuyến cáo: “Để chủ động phòng chống dịch bệnh này các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh”./.

Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện:

1. Hàng tuần chủ động thực hiện diệt bọ gậy, giữ vệ sinh môi trường nơi sinh sống, bằng cách: thả cá vào các bể, phi chứa nước, hòn non bộ; bể cảnh (cá thường dùng là các loại cá nhỏ như cá muỗi, cá bảy màu, cá rô, cá sóc…), thay nước, cọ rửa 1 tuần/1 lần với các lọ hoa, cây cảnh có nước, thu gom phế liệu phế thải 1 tuần/ 1 lần, che đậy các dụng cụ có khả năng đọng nước trong và xung quanh nhà;

2. Ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày.

3. Chủ động, tích cực phối hợp với cán bộ Y tế và Ban, Ngành, Đoàn thể trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết;

4. Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết như sốt cao kéo dài trên 2 ngày, đau đầu, đau cơ khớp, chảy máu chân răng... để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà;

5. Thông báo ngay cho Trạm y tế xã, phường hoặc Trung tâm Y tế các quận, huyện khi phát hiện có người nghi mắc bệnh./.