sieu ho den hai lan o hoi khi an
Siêu hố đen J1354 hai lần ợ hơi sau khi nuốt chửng khí gas. Ảnh minh họa: NASA.

Một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học ở Đại học California, Boulder, đứng đầu, phát hiện siêu hố đen ở ngân hà xa xôi ăn khí gas và "ợ hơi" không chỉ một mà hai lần, theo Phys.org. Trợ lý giáo sư Julie Comerford cho biết siêu hố đen này phun ra những luồng ánh sáng mạnh từ khí gas nó hít vào hai lần trong khoảng 100.000 năm. Các nhà thiên văn học từng dự đoán hố đen có thể nhấp nháy sau khi ăn khí gas, nhưng đây là một trong rất ít sự kiện được phát hiện.

Những hố đen siêu lớn có khối lượng gấp hàng triệu lần Mặt Trời được cho là nằm ở trung tâm của mọi thiên hà. Chúng giống với hố đen thông thường ở chỗ đều là những vùng có trọng lực mạnh đến mức không thứ gì có thể thoát ra ngoài, ngay cả ánh sáng. Nhưng khi các khu vực xung quanh siêu hố đen phun ra ánh sáng, kết quả từ sự kiện ăn khí gas, chúng được biết tới dưới dạng chuẩn tinh, theo Comerford.

Minh họa sự kiện hố đen ợ hơi. Video: Sky News.

"Chúng tôi phát hiện vật thể này ăn, ợ hơi và chợp mắt, sau đó lại ăn, ợ hơi và chợp mắt, đúng như giả thuyết dự đoán. Điều may mắn là chúng tôi tình cờ quan sát thiên hà chứa nó vào đúng khoảnh khắc có thể quan sát rõ cả hai sự kiện", Comerford chia sẻ.

Báo cáo về siêu hố đen được xuất bản trên tạp chí Vật lý thiên văn. Comerford trình bày phát hiện của cả nhóm hôm 11/1 trong cuộc gặp thường niên của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ diễn ra ở Washington D.C.

Thiên hà Comerford và cộng sự nghiên cứu mang tên J1354, ở cách Trái Đất 900 triệu năm ánh sáng. Họ sử dụng các quan sát từ hai kính viễn vọng không gian là Hubble và Đài quan sát tia X Chandra, cùng với Đài thiên văn W.M. Keck ở Mauna Kea, Hawaii, và Mauna Kea, Hawaii, gần Sunspot, New Mexico. Nhóm của Comerford kết luận vật liệu từ thiên hà bị cuốn vào trung tâm của J1354 và sau đó bị siêu hố đen "nuốt chửng".

Comerford cho biết cả nhóm quan sát thấy sự phát sáng ở phía nam trung tâm thiên hà. Điều này chỉ ra một sự kiện hố đen ăn vật liệu từng xảy ra cách đây khoảng một triệu năm. Ở phía bắc, họ trông thấy một vòng khí gas hé lộ quá trình hố đen "ợ hơi" diễn ra gần đây hơn.

Đài quan sát Chandra thu được lượng lớn bức xạ tia X từ J1354, cho thấy bụi và khí gas bị làm nóng tới hàng triệu độ C khi vật liệu rơi vào trung tâm siêu hố đen. Quang phổ tia X chứng tỏ siêu hố đen nằm trong màn bụi và khí gas dày đặc.