Ôn thi theo nhóm, kèm sát học sinh yếu

Thầy Đỗ Mạnh Thành, Hiệu trưởng trường THPT Trung Văn (Hà Nội) cho biết, năm nay trường có 362 học sinh (HS) lớp 12 tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Trường đã tổ chức lớp ôn tập cho HS từ giữa tháng 5, chủ yếu là hướng dẫn các con tự học, bởi vì các HS cũng đã lựa chọn tổ hợp thi riêng. Nhà trường chia HS theo từng trình độ và từng nhóm lớp dựa vào việc chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và bố trí những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trường cũng mở một lớp phụ đạo miễn phí củng cố kiến thức cho khoảng 30 HS yếu kém.

si tu tang toc on luyen truoc ky thi trung hoc pho thong quoc gia
Học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn ôn thi nước rút.

“Năm nay vẫn thi trắc nghiệm nên kiến thức rất rộng, dàn trải, nếu HS không biết tự học, tự ôn tập thì khó lắm vì thời gian hạn chế không thể ôn hết được. Nhà trường chỉ đảm bảo những kiến thức cơ bản, với những em có mục tiêu đảm bảo điểm tốt nghiệp, định hướng ngành nghề thì điểm thấp, với em đăng ký thi trường đại học tốp cao, các con sẽ phải tự ôn tập nâng cao để phù hợp với mục tiêu của mình” - thầy Thành nhấn mạnh.

Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết: Trường có 524 HS lớp 12 tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Tháng 6 những HS nào có nguyện vọng đăng ký ôn thi thì trường sẽ tổ chức ôn tập ở trường. Thầy cô giáo sẽ phân hóa đối tượng HS theo mức độ khác nhau. Sau khi kết thúc học kỳ 2, trường đã trao đổi với phụ huynh HS và phụ huynh thấy việc đó sẽ giúp HS duy trì nề nếp học tập, để HS tập trung cao vào việc ôn tập. Ngoài các lớp ôn môn Toán, Văn, Ngoại ngữ..., các em được phân chia theo lớp dựa vào việc chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và khối thi mà các em đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Trường dự kiến ôn tập cho các em đến khoảng 21/6. “Ở giai đoạn nước rút này HS nên rà soát lại toàn bộ chương trình, luyện đề thi, luyện kỹ năng, chuẩn bị tâm lý vững vàng, tinh thần tỉnh táo chứ không quá lo lắng hoang mang, càng học nhiều càng thấy kiến thức rộng đâm ra hoang mang. Vì thế, rèn kỹ năng làm bài, rèn tâm lý là điều hết sức quan trọng trong giai đoạn cuối này” - thầy Nam nhấn mạnh.

Về kế hoạch ôn tập cho hơn 550 HS khối 12, cô Hoàng Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, trường cũng đã gửi kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12 để phụ huynh nắm rõ và đăng ký cho con em mình theo tinh thần tự nguyện... Song song với ôn tập, các em HS yếu sẽ được các giáo viên phụ đạo để củng cố lại kiến thức.

HS Nguyễn Tuấn Minh (Hà Nội) chia sẻ, cùng với việc phải ôn thi và tham gia thi thử quá nhiều thì năm nay chúng em càng thấy khó khăn hơn với áp lực kỳ thi trước để lại. Việc Bộ liên tục đưa ra nhiều biện pháp điều chỉnh như đặt camera giám sát, giao các trường đại học chủ trì… để ngăn chặn tiêu cực cũng khiến chúng em bị bất ổn tâm lý, sợ mình không nắm bắt hết thông tin..

“Bí quyết” ôn thi hiệu quả ở giai đoạn nước rút

Làm thế nào để ôn thi hiệu quả ở tháng cuối này là vấn đề được nhiều HS quan tâm. Thầy Trần Đức, giáo viên môn Vật Lý (Trung tâm Học Mãi) đưa ra lời khuyên: Đối với môn Lý, thời gian này các em cần rà soát lại lý thuyết, vì khối lượng lý thuyết trong đề chiếm khá nhiều, lại dễ kiếm điểm. Thi trắc nghiệm kiến thức dàn trải toàn bộ chương trình nên không có trọng tâm. Tuy nhiên, với riêng chương trình lớp 11, kiến thức chỉ chiếm 10% trong đề thi nên các em chỉ ôn trong SGK, không ôn lan man. Thêm nữa, nên xác định rõ mức điểm hiện nay của mình là bao nhiêu để củng cố cho tốt chứ không nên quá áp lực điểm ở tháng cuối này vì thời gian còn rất ít. Mỗi tuần nên làm từ 3-5 đề thi để rèn luyện kỹ năng cũng như kiểm soát thời gian làm bài thi. Bên cạnh việc ôn thi, các em nên kết hợp nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe tốt bước vào kỳ thi.

Một giáo viên Ngữ văn Trường THPT ở Hà Nội cũng cho rằng, giai đoạn này, giáo viên sẽ ôn tập cho các em theo dạng chuyên đề, ví dụ như hình tượng người lính, người phụ nữ... Sau đó, các em sẽ làm một số dạng đề và rèn kỹ năng làm bài. Chẳng hạn, với nghị luận xã hội thì hướng dẫn cách triển khai luận điểm, luận cứ, luận chứng; phần nghị luận văn học thì ôn kỹ năng mở bài, kết bài, kỹ năng dựng đoạn, đưa dẫn chứng, kỹ năng phân tích, liên hệ, mở rộng... Giáo viên cũng tùy vào trình độ HS để ôn tập với các chuyên đề nâng cao và ôn tập căn bản, củng cố kiến thức giúp các em nắm chắc kiến thức.

Cũng đề cập đến phương án chuẩn bị cho kỳ thi, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết, tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5, TP HCM) dự kiến vào đầu tháng 6, trung tâm sẽ tổ chức thi thử cho HS. Bên cạnh tập dượt cho các em về mặt hình thức thi, kỹ thuật làm bài, kết quả của HS sẽ giúp các giáo viên nắm rõ việc ôn tập cần củng cố, điều chỉnh, bổ sung phần kiến thức nào ở giai đoạn tiếp theo…/.